Lo ngại về môi trường liên quan đến việc xả thải ra biển của nhà máy bột giấy ở Quảng Ngãi

Minh Lâm|09/08/2023 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước những nỗi lo về ảnh hưởng đến môi trường biển, mất ngư trường đánh bắt truyền thống… Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi không chấp thuận cho Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh.

Vấp nhiều ý kiến không đồng thuận

Vịnh Việt Thanh nằm phần lớn ở xã Bình Trị, từ bao đời nay là ngư trường khai thác hải sản của khoảng 300 hộ dân với 918 nhân khẩu ở xã Bình Trị. Khi hay tin Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt ống xả thải trực tiếp ra vịnh, người dân ở các xã Bình Trị, Bình Hải, huyện Bình Sơn… kiên quyết không chấp thuận.

Theo người dân làng biển Lệ Thủy, khu vực biển vịnh Việt Thanh xưa nay vốn là vùng đánh bắt truyền thống của hàng ngàn ngư dân với nguồn lợi ven bờ là các mùa cá cơm, ruốc biển. Ngoài ra, vịnh biển này có cảnh quan đẹp, có bãi tắm rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị ngành chức năng nghiên cứu dời đường ống thải đi nơi khác, không đấu thẳng ra vịnh Việt Thanh và cần đặt ống xa hơn từ 1.000-1.500m cách bờ biển; đồng thời cần phải có hồ kiểm chứng tại bờ để người dân thuận lợi giám sát nước thải.

Các Bộ nói về việc giao khu vực biển làm đường ống xả thải

Hiện Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đã nhận văn bản tham gia ý kiến của 4 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, về đề nghị giao khu vực biển tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, để xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý, dự án Nhà máy bột giấy VNT 19.

du-an-bot-giay.jpg
Toàn cảnh dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Theo đó, Bộ Quốc phòng cho biết, vị trí khu vực biển không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị quân đội, vì vậy thống nhất với hồ sơ đề nghị.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định hiện hành của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và an toàn hàng hải; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc giao khu vực biển cho Công ty Bột - Giấy VNT19 (không có vốn đầu tư nước ngoài), thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra trên hệ thống phần mềm hỗ trợ giao khu vực biển cho thấy, diện tích đề nghị giao không khớp với sơ đồ khu vực biển đề nghị giao. Vì vậy trước khi quyết định, UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý sơ đồ khu vực biển đề nghị giao, cho phù hợp.

Trong khi đó, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, quy mô công suất nước thải của dự án là 73.000m3/ngày đêm, phù hợp với Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT, ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên tại Quyết định trước đó của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (số 279/QĐ-BQL, ngày 06/9/2016) lại phê duyệt quy mô công suất là 76.000m3/ngày đêm (tăng thêm 3000m3/ngày đêm, so với nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Vì vậy, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và chủ đầu tư, xem xét và rà soát, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề nghị tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật liên quan (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…), nhằm bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động, hệ thống công trình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

vinh-viet-thanh.jpg
Vịnh Việt Thanh hoang sơ phù hợp để phát triển du lịch

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Hiện người dân đang có nhiều lo lắng về việc đặt đường ống xả của Nhà máy bột - giấy VNT 19, tỉnh cũng rất quan tâm nhưng do DN chưa hoạt động, nếu chỉ vì sợ ảnh hưởng môi trường biển không cho làm thì vô tình gây khó khăn cho họ. Quan điểm của tỉnh rất rõ ràng, nếu ảnh hưởng đến môi trường thì dứt khoát phải đóng cửa nhà máy, DN tự chịu trách nhiệm.

Được biết, Dự án nhà máy bột giấy VNT19, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất xây dựng gần 69 ha tại thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Sau đó dự án được chuyển đến địa điểm mới là thôn Phú Long, xã Bình Phước, cùng huyện.

Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai (khởi công vào năm 2015), dự án đã gây nhiều tranh cãi và chưa được sự đồng thuận từ người dân về nước xả thải, khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại về môi trường liên quan đến việc xả thải ra biển của nhà máy bột giấy ở Quảng Ngãi