Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành 2 cầu vào Khu công nghệ môi trường xanh
Đây là hai cây cầu nằm trong dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh mà VWS đang triển khai đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hai cây cầu mang tên VWS1 và VWS2 đưa vào sử dụng nhằm phục vụ cho toàn bộ khu phức hợp Khu Công nghệ Môi trường xanh.
Thông tin nêu trên được cung cấp tại lễ khánh thành cầu VWS1 và VWS2 do Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam – Long An (VWSLA) làm chủ đầu tư diễn ra vào hôm nay, 27-3, tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Thông tin từ VWS cho biết, dự án Khu công nghệ môi trường xanh có khả năng xử lý tất cả các loại chất thải, gồm chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, công nghiệp, chất thải xây dựng, bùn thải và các loại chất thải nguy hại khác.
Ông David Dương, Tổng giám đốc VWS cho biết, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với công suất xử lý chất thải giai đoạn đến năm 2025 dự báo đạt 21.400 tấn/ngày; giai đoạn đến năm 2035 đạt 26.800 tấn/ngày và đạt 36.500 tấn/ngày trong giai đoạn đến năm 2050. “Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án này là 450 triệu đô la Mỹ”, ông David Dương cho biết.
“Nơi đây là quê hương của mẹ tôi. Bà năm nay đã 75 tuổi. Bà mong muốn nhìn thấy người con trai làm được điều gì đó cho quê hương. Chính vì vậy, tôi trở về đây để thực hiện đầu tư xây dựng dự án này”, ông David Dương cho biết.
Khu Công nghệ Môi trường Xanh rộng gần 1.800 ha, là nơi tiếp nhận và xử lý tất cả các loại rác như rác thải thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại, chất thải y tế, chất thải điện tử…Rác thải sau khi được xử lý sẽ được tận dụng để tái chế thành các sản phẩm hữu ích.
Khu Công nghệ Môi trường xanh sẽ là nơi xử lý rác thải quy mô lớn trong thời gian tới với số vốn đầu tư hơn 450 triệu USD
Còn về hình thức xử lý, theo VWS, dự án có 4 loại hình xử lý, gồm xử lý bằng công nghệ sinh học; tái chế; đốt có thu hồi năng lượng, phát điện và chôn lấp hợp vệ sinh.
Dự án này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề xử lý rác thải không chỉ trên địa bàn huyện Thủ Thừa, mà cho cả tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Qua đó góp phần giảm chi phí vận chuyển rác, giải quyết được công ăn việc làm cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Ngọc Phương (t/h)