Lúa hè thu chết sớm: Nông dân không theo khuyến cáo của địa phương

Ngọc Linh (t/h)|09/04/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Mặc dù ngành Nông nghiệp đã cảnh báo nông dân không được xuống giống lúa hè thu sớm do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Tuy nhiên, bà con ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) vẫn cải tạo đất và gieo sạ lúa. Hậu quả là nước ngọt không đủ tưới cho cây lúa, nông dân ngậm ngùi nhìn lúa chết dần trên những cánh đồng khô nứt nẻ.

>>> Đắk Lắk: Hơn 1.500 hécta cây trồng vụ hè thu bị thiếu nước tưới, khô hạn

>>> Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

Lúa vụ động xuân của nông dân thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái bị chết khô do thiếu nước.

Người dân nơi đây cho biết đang trực diện với tình trạng thiếu nước sản xuất nghiêm trọng và dồn sức cứu lúa, nhưng khó tránh khỏi thiệt hại nặng nề. Trên cánh đồng lúa hàng chục ha của vụ đông xuân năm nay đã hơn hai tháng tuổi, đang có nhiều diện tích bị chết khô. Số còn lại sinh trưởng kém, cây lúa còi cọc, lá úa vàng…

Nhiều tháng qua, bà con đã góp 200 nghìn đồng/hộ, thuê xe máy múc để đào ao tìm nguồn nước ngầm, đồng thời phải chi thêm từ 300 đến 450.000 đồng, mua dầu để chạy máy bơm hút nước tưới liên tục ba ngày, mới đủ nước cho hai sào lúa, với hy vọng cứu cánh phần nào, nhưng ruộng lúa bị chết khô ngày càng nhiều.

Cùng đi thăm hai sào lúa của hộ anh Chamaléa Hớ, anh chia sẻ: “Tuần trước, cả ruộng lúa đang dần chết khô, tôi tính đến bỏ cho bò ăn, nhưng được ông Chamaléa Sinh cho đặt máy bơm hút nước trong ao tưới, nên lúa đang hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sản lượng chắc không có, vì vẫn chưa có hạt và còi cọc.

Tương tự, diện tích 2,3 sào lúa của hộ anh Katơr Phay, tại khu vực Đồng Cây Xanh cũng bị chết khô khoảng 60%. Anh Phay cho hay, phần lớn ruộng lúa của bà con nơi đây đều bị chết khô. Nhiều gia đình đã bỏ và cho bò ăn.

Trong quá trình tìm hiểu, được biết nguyên nhân do nông dân không tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Trước đó, xã đã khuyến cáo bà con không nên trồng lúa trong vụ đông xuân 2019 vì không có nước tưới, nên chuyển sang trồng các loại cây màu ngắn ngày như ngô, đậu xanh… để tiết kiệm nước. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nói, nếu không trồng lúa sẽ không có lương thực để ăn, không có rơm, rạ cho gia súc, nên bất chấp sự khuyến cáo, ngăn cản của xã.

Anh Hứa Xuân Quang, Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Trung cho biết, cuối năm 2018, trên địa bàn xã có vài trận mưa lớn, nên bà con ỷ lại thời tiết và vội vàng xuống giống. Khi xã phát hiện đã lập biên bản phạt một số hộ vi phạm; số hộ còn lại ký cam kết sẽ chịu mọi tổn thất khi lúa chết. Nhưng, sau đó không lâu, 90 hộ dân gửi đơn lên xã cầu cứu nước tưới, xã chỉ còn cách gửi lên huyện để xem xét, giải quyết.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Hoàng Văn Hùng cho biết, thôn Đồng Dày có hơn 53 ha đất trồng lúa và hơn 44 ha trồng ngô, đậu xanh… Trước đó, do thiếu nước sản xuất, đã có khoảng 10 ha lúa hư hại hoàn toàn, còn lại 27 ha lúa đang trong thời kỳ trổ bông, sắp thu hoạch. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, khu vực Đồng Cây Xanh, thôn Đồng Dày chỉ được trồng cây màu ngắn ngày trong vụ đông xuân để tiết kiệm nước, vì Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, trong sáu tháng đầu năm 2019, có nhiều dấu hiệu Ninh Thuận xảy ra hạn, do đó, công ty đã chủ động đưa ra giải pháp chỉ điều tiết nước tưới cho cây màu. Tuy nhiên, bởi có một vài trận mưa vào cuối năm 2018, bà con không tuân thủ khuyến cáo mà ồ ạt xuống giống hơn 53 ha, dẫn đến hệ lụy ngày hôm nay.

Khi nhận được đơn kêu cứu của người dân thôn Đồng Dày, công ty đã cố gắng điều tiết nước để giúp bà con ổn định sản xuất. Theo đó, mỗi tuần mở nguồn nước dự trữ ba ngày, đêm (từ 7 giờ sáng ngày thứ 2 đến 7 giờ sáng ngày thứ 5).

Thời gian tới, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc phải điều tiết nước cho hồ Phước Nhơn, thôn Đồng Dày, đang thiếu hụt lượng nước dự trữ để ổn định nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của bà con toàn xã Phước Trung trong vụ hè thu sắp đến. Nếu người dân không tuân thủ khuyến cáo của chính quyền địa phương, không chuyển đổi cây trồng mà vẫn lén lút trồng lúa, chắc chắn hệ lụy sẽ nặng nề hơn.

Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, việc nông dân mạo hiểm bơm nước có độ mặn cao hoặc nước phèn vào ruộng sẽ làm lúa chết nhanh hơn; đất sẽ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng cho việc sản xuất ở các vụ tiếp theo. Về lâu dài, nếu muốn đất sản xuất có hiệu quả thì phải rửa mặn, xổ phèn…

Mặc dù ngành Nông nghiệp và chính quyền đã triển khai giải pháp điều tiết nước từ hệ thống cống, đồng thời người dân cũng tự làm những con đập tạm trên sông để trữ nước ngọt và ngăn nước mặn tràn vào, song hy vọng cứu được lúa là rất mong manh. Nhiều hộ đã chấp nhận bỏ trắng công sức lao động.

Giờ đây, chuyện sống còn của hàng trăm héc-ta lúa hè thu sớm của bà con chỉ còn biết trông chờ vào những trận mưa đầu mùa. Vậy mà, trời vẫn còn nắng gay gắt…

Ngọc Linh (t/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lúa hè thu chết sớm: Nông dân không theo khuyến cáo của địa phương
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.