Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cho biết các quan chức môi trường Anh đã tới kiểm tra số container chứa chất thải độc hại được xuất khẩu bất hợp pháp từ Anh tới ở một hải cảng lớn tại Penang hồi năm ngoái.
Ảnh minh họa
Sau đó, chính quyền Anh đồng ý nhận lại số rác thải này. Bộ trưởng Yeo Bee Yin ca ngợi quyết định của London. “Sự hợp tác này cho thấy cộng đồng quốc tế thừa nhận rằng ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu, cần quyết tâm của các nước để xử lý”, ông nói.
Lợi nhuận từ ngành tái chế rác thải nhựa đã khiến nhiều cơ sở mọc lên tại Malaysia và rất nhiều cơ sở trong đó hoạt động chui. Nhiều container chứa rác thải không đúng với loại rác được khai báo với cơ quan chức năng và nhiều loại rác không thể tái chế.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đã buộc chính quyền nước này siết quy định và hồi đầu năm tuyên bố sẽ chuyển trả rác thải từ nước xuất phát, đồng thời bắt nước đó phải trả phí vận chuyển.
Ngoài Malaysia thì một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Philippines gần đầy cũng chuyển trả container chứa rác thải nhựa lại cho nhiều nước phương Tây.
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia Đông Nam Á tỏ rõ quyết tâm không chấp nhận việc trở thành bãi rác của thế giới. Indonesia gửi trả hàng trăm container rác về các nước xuất khẩu, trong khi Philippines cũng từ chối nhập rác từ Canada. Năm 2018, Bộ trưởng Môi trường Malaysia cũng tuyên bố nước này cấm vĩnh viễn việc nhập khẩu rác thải nhựa và sẽ gửi trả rác thải xâm nhập vào nước này bất hợp pháp.
Nhật Lệ (t/h)