Mâm cúng đất của người xứ Quảng có những gì?

Tiên Sa|18/04/2023 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đã bao đời nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng từ khắp làng mạc, xóm thôn đến chốn phố xá, thị thành đều có tục cúng đất. Có thể nói, cúng đất là chuỗi hoạt động thuần túy về tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Cúng đất còn gọi là cúng Thần Hoàng Bổn Xứ. Mùa cúng đất ở miền Trung và cụ thể là xứ Quảng quê tôi diễn ra trong mùa xuân. Thời gian này, nhà nhà rộn ràng cúng đất, cúng nhiều nhất là khoảng tháng 2 đến tháng 3 (Âm lịch).

cung-dat-2-.jpg
Bàn cúng đất ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng

Lúc sinh thời, ông tôi cho hay, ngày trước có câu phương ngôn: “Cúng đất, chất rơm, quảy cơm luôn thể”. Có nghĩa là chọn một ngày kỵ gỗ nào đó trong tháng Hai hoặc Ba, rồi nhân tiện cúng đất và “chất rơm” luôn.

cung-dat-3-.jpg
Phẩm vật trên bàn cúng đất đa dạng

Sau khi gia chủ nhờ bà con hàng xóm xếp, chất những đống rơm đã phơi khô thành “cây rơm” thì tiếp tục ăn cúng đất luôn cho “nhất cử lưỡng tiện” bởi khi chất rơm có nhiều người lại thêm công việc vất vả nên gia chủ phải lo ăn uống chu đáo để động viên, bồi dưỡng.

cung-dat-4-.jpg
Bát sắn, khoai, đậu phộng nấu, mía ắt phải có trên bàn cúng đất

Tùy theo mỗi vùng, miền, địa phương mà sắp đặt số bàn cúng khác nhau. Theo một số “già làng” cho biết: Có nơi trên bàn thờ cúng đất có hai mâm, với hai nồi hương riêng, một bàn cúng Thần Hoàng Bổn Xứ là các vị thần chức lớn cai quản trong địa phương; còn bàn kia là cúng mâm Hội đồng, bao gồm các vị thần có chức sắc nhỏ hơn và các âm hồn, cô hồn không nơi nương tựa…?

cung-dat-1-.jpg
Sắn, khoai, đậu phộng nấu, mía ắt phải có trên bàn cúng

Trên bàn cúng đất, phải đầy đủ nồi hương, chân đèn, chén nước, bài trí theo “thiết kế” của người xưa như “đông bình tây quả”, hương đèn, vàng bạc, giấy tiền, giấy đất, giấy binh, diêm mể, nổ (gạo muối, lương khô)...

cung-dat-9-.jpg
Phẩm vật trên bàn cúng đất

Phẩm vật thì thường có cơm, xôi, chè, thịt heo, thịt gà, cá chiên, các thứ xào, trộn, bánh tráng nướng... có nhà còn có thêm một đĩa như trứng gà, cua luộc, và một bát cháo thánh (cháo trắng)… Ngoài ra, còn có mấy món không thể thiếu được đĩa sắn, khoai, đậu, trút, môn, rau lang luộc, mắm cái... Mỗi bàn cúng đều có đĩa trầu cau, thuốc lá và ly rượu trắng. ...

cung-dat-8-.jpg
Bỏ thức ăn vào “xà léc”.

Và không thể thiếu bộ đồ thần trong tục cúng đất ở quê tôi. Nhà kinh tế khá thì mua bộ trên 50.000 đồng, nhà đủ ăn thì mua bộ dưới 40.000 đồng.

Mâm lễ cúng đất phải được đặt ở vị trí trước nhà (hiên, sân) gia chủ. Người xưa có câu: “Cúng Đất cúng ra, Cúng Bà (cúng lễ đầy tháng cho em bé) cúng vô”. Gia chủ đứng ở trong nhà cúng ra. Có nơi, danh sách dâng cúng được gia chủ ghi vào “Giấy sớ” và được đọc lên khi cúng bao gồm: Các thần linh vùng đất Champa, Cơ tu…, thần đất đai nơi gia chủ sinh sống, đến thần núi, thần sông…

cung-dat-7-.jpg
Treo xá lét nơi ngã ba đường cái

Mâm lễ còn ghi dâng cúng cả những linh hồn, oan hồn Chămpa không ai thờ cúng nơi gia chủ sinh sống. Có nơi “nhà sản xuất” in sẵn “thông tin” trên tờ giấy khá đẹp có “hoa văn họa tiết”, khi cúng đặt ngay ngắn dưới nồi hương, cũng xong mang đốt trước tiên cho các “ngài” nhận.

Thông thường, trước khi cúng, gia chủ buộc 2 thanh tre vào 2 chân bàn và treo 2 bộ đồ thần (một bộ dành cho vị thần người Kinh có màu đỏ và bộ dành cho vị thần người Dân tộc có màu đen) vào đấy và sau khi cúng xong, đốt trước vàng mã để chư vị “thông qua”.

cung-dat-6-.jpg
Ai như tôi lấy xà lét vào thời thơ bé

Ngoài ra, gia chủ cần làm một cái “xà léc” bằng bẹ chuối treo sát bên bàn cúng đất. Cúng xong, gia chủ bỏ các món ăn vào mỗi thứ một ít như xôi, thịt heo, chuối, càng cua, trứng gà, khoai lang, bánh tráng nướng ... và người nhà mang ra ngã ba đường cái để treo.

Không phải là ngẫu nhiên mà cái xà léc này làm bằng bẹ cây chuối có hình dáng tương tự như cái “tà lét” của đàn ông người dân tộc Cơ tu mang trên lưng. Có thể từ “tà léc” đọc trại ra thành “xà léc”.

Theo truyền thuyết, trong danh mục cúng chư thần được mời, có vị thần Chủ Ngung đào lương bang Nguyễn Thị Thúc, là con gái của một vị Vua (?) nhà Vua gả cho một người thượng (Man). Khi bà chết, nhà vua phong sắc chưởng đất miền Nam và truyền cho dân chúng cúng, tục cúng đất có treo xà lắt bắt nguồn từ đó.

Cũng theo truyền thuyết, cả hai vợ chồng của bà Nguyễn Thị Thúc này chỉ có một bộ y phục, nên khi được mời ăn cúng đất, chỉ có một người mặc áo quần đi dự, người kia không có y phục, đành ở nhà. Khi ăn xong, người đi dự mang xà léc về cho người ở nhà... hoặc có truyền thuyết cho rằng, thực phẩm trong xà léc là phần của những người cõi âm bị đui mù, tàn tật, không đi đến dự đám cúng được…

cung-dat-5-.jpg
Ông tôi đang chất rơm

Thời thơ ấu, đi học về gặp những cái xà lét treo ở ngã ba khi mùa cúng đất, lũ học trò “nhất quỷ nhì ma” chúng tôi lấy xuống chia nhau ăn. Tuy nhiên, không có đứa nào dám kể chuyện này với cha mẹ, sợ bị “ăn lươn” bởi người xưa rất kiêng kị và cho rằng ăn vậy sẽ là thất kính và có lỗi với chư vị thần linh nên trước sau cũng bị quở, phạt…

Khi gần tàn hương, gia chủ rót nước chè, trà còn “áo giấy” sẽ được đốt trong cái thùng sắt sạch sẽ. Tuyệt đối không để áo giấy tiền vàng rơi xuống đất sẽ bị uế tạp, thần không nhận. Cuối cùng, phẩm vật sau cúng đất sẽ được mời bà con hàng xóm cùng chung vui bởi họ quan niệm "bán bà con xa mua láng giềng gần", cũng là dịp liên hoan giao lưu để thắt chặt "tình làng nghĩa xóm”.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại cũng có nhiều gia đình không cúng đất cũng do tập quán từng vùng. Song, trước khi cúng, gia chủ cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, khấn vái Thần hoàng bổn xứ, tổ tiên ông bà. Sau khi một tuần hương cháy hết và 3 lần “chiết rượu” thì gia chủ mới có thể đốt vàng mã, hạ hương đèn, treo xà lét và xin thụ hưởng lộc.

Tục cúng đất ở quê tôi mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, rất nhân văn. Vì thế dù hiện nay văn hóa truyền thống có nơi bị mai một nhưng ở xứ Quảng quê tôi vẫn lưu giữ tục lệ này trong mùa xuân. Đây là nét đẹp truyền thống của cha ông thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, sự giao lưu văn hóa các vùng miền trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Bài liên quan
  • Bánh nổ “linh hồn Tết” của người xứ Quảng
    Moitruong.net.vn – Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên của người xứ Quảng, không thể thiếu món bánh nổ. Loại bánh này từ bao đời nay đã trở thành “linh hồn Tết”, là một phần trong đời sống văn hóa của người xứ Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mâm cúng đất của người xứ Quảng có những gì?