Mạng xã hội không được sản xuất và đăng tải nội dung dưới hình thức phóng sự điều tra, phỏng vấn báo chí

Phong Anh|06/12/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khoản 4 Điều 35 Nghị định 147 về quản lý, sử dụng Internet và thông tin trên mạng quy định: “Không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cá nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội.”

Nhằm giải quyết tình trạng trang tin điện tử, mạng xã hội hoạt động như báo chí, gây nhầm lẫn cho độc giả, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, trong năm 2024, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), nội dung vi phạm chủ yếu đến từ việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép, thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

mxh1.jpg
Trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí, không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang. Ảnh minh họa

Các vi phạm còn đến từ việc thực hiện không đầy đủ quy định đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân trên các mạng xã hội; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; cung cấp dịch vụ không đúng với quy định tại giấy phép thiết lập mạng xã hội; không trích dẫn nguồn tin theo quy định.

Các Sở TT&TT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh nhiều trường hợp có biểu hiện “báo hóa”, vi phạm pháp luật.

Nhờ những hành động quyết liệt của Bộ TT&TT, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Cục PTTH&TTĐT, vẫn còn một số trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động như báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động.

Các vi phạm này có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện như trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ tập trung tổng hợp các thông tin tiêu cực đang “nóng”, “giật gân”, những bất cập và tồn tại của xã hội để thu hút độc giả, làm tăng lượng truy cập phục vụ việc bán quảng cáo.

Biểu hiện “báo hóa” còn ở việc mạng xã hội tổ chức sản xuất tin bài như báo chí và cho đăng dưới hình thức các thành viên mạng xã hội, tạo thành hệ sinh thái, đồng loạt đăng bài tiêu cực, gây áp lực đến tổ chức, cá nhân. Các trang này có giao diện, tên miền gây nhầm lẫn khiến độc giả khó phân biệt với trang của cơ quan báo chí.

Trước thực trạng trên, Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, được Chính phủ ban hành ngày 9/11 vừa qua đã bổ sung thêm các quy định mới nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 1 giờ so với tin gốc, lấy nguồn tin từ ít nhất 3 cơ quan báo chí.

Trang thông tin điện tử tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định.

Trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí, không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang.

Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhân viên của trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép nói tôi là phóng viên, nhà báo để đi làm tin, tác nghiệp, sản xuất tin.

Khoản 1 Điều 28 Nghị định 147 về quản lý, sử dụng Internet và thông tin trên mạng có quy định như sau:

1. Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp:

a) Có quy trình quản lý nội dung, thông tin: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải;

b) Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải không vi phạm bản quyền, phải chính xác theo đúng nội dung nguồn; nội dung dẫn lại chỉ được phát hành theo đúng thời gian trong thỏa thuận (bằng văn bản) giữa cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng không sớm hơn 01 giờ tính từ thời điểm phát hành nội dung nguồn; nội dung dẫn lại phải gỡ ngay sau khi nội dung nguồn bị gỡ (không chậm hơn 03 giờ sau khi nội dung nguồn bị gỡ);

c) Có công cụ bằng phương tiện điện tử để tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người sử dụng dịch vụ về nội dung, dịch vụ;

d) Không cho đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được dẫn lại;

đ) Nội dung tổng hợp ghi rõ tên tác giả và tên nguồn tin (viết đầy đủ tên nguồn tin), thời gian cơ quan báo chí đăng, phát thông tin đó, đặt đường dẫn liên kết đến bài viết nguồn ngay cuối bài dẫn lại;

e) Tách riêng các chuyên mục trao đổi, hỏi đáp liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó;

g) Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp có hoạt động liên kết sản xuất nội dung với cơ quan báo chí: Không liên kết sản xuất các nội dung liên quan đến điều tra, phản ánh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; các cơ quan báo chí điện tử chịu trách nhiệm về thông tin liên kết trên trang thông tin điện tử tổng hợp; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin bài phát hành của cơ quan báo chí đó trong 01 tháng; nhân viên, cộng tác viên của trang thông tin điện tử tổng hợp khi tham gia sản xuất nội dung liên kết không được lấy danh nghĩa phóng viên, biên tập viên, nhà báo;

h) Có văn bản thỏa thuận hợp tác nguồn tin với ít nhất 03 cơ quan báo chí.

Đối với mạng xã hội, các mạng xã hội không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định, không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn.

Tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.

Điều 35 Nghị định 147 về quản lý, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước có quy định như sau:

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm:

1. Cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ các quy định của Nghị định này. Trường hợp mạng xã hội có cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan.

2. Thực hiện việc quản lý và cung cấp dịch vụ mạng xã hội tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ với người sử dụng dịch vụ; mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng cho người sử dụng dịch vụ biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ.

3. Bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cá nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội.

5. Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mạng xã hội không được sản xuất và đăng tải nội dung dưới hình thức phóng sự điều tra, phỏng vấn báo chí
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.