Miền Bắc nồm ẩm, cần lưu ý điều gì?

Thế Đoàn|03/02/2023 17:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của miền Bắc, thường xuất hiện vào đầu mùa xuân và gây ra tình trạng sàn nhà ẩm ướt, gây bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình.

XEM VIDEO: Miền Bắc nồm ẩm, cần lưu ý điều gì?

Thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc đặc biệt là Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Thời gian mỗi đợt nồm kéo dài vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài cả vài tuần. Chỉ khi nào gió mùa đông bắc tràn về thì mới có thể chấm dứt hoặc thay đổi được hiện trạng thời tiết khó chịu này.

W_troi-nom-am-2-.jpg
Thời tiết Hà Nội mưa phùn, rét kéo dài dẫn đến tình trạng nồm ẩm

Những ngày qua, nhiều gia đình than phiền vì việc nền nhà và các vật dụng bị ẩm ướt, đọng nước do thời tiết nồm ẩm. Các thành viên trong gia đình thay nhau lau nền nhà, cửa kính, các thiết bị gia dụng,… nhưng không tránh khỏi những ảnh hưởng của hiện tượng này.

Chị Nguyễn Thị Thúy, quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi thiết kế ban đầu là thoáng đãng, đón nắng, đón gió vào nhà. Những ngày gần đây, trời nồm ẩm khiến nền nhà và nhiều đồ dùng bị ẩm mốc. Tôi và các con lau rất nhiều lần trong ngày nhưng tình trạng ẩm ướt vẫn tái diễn. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là thời tiết lại nồm ẩm, biết trước nhưng cũng không có cách nào để hạn chế.”

W_troi-nom-am-1-.jpg
Nồm ẩm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhiều gia đình

Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như bệnh về đường hô hấp, bệnh về da, sốt vi-rút, thủy đậu,… Có thể vì nguyên nhân này mà các con của chị Phạm Mai Dung, quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) có dấu hiệu của bệnh cảm cúm, sốt, ho trong những ngày vừa qua.

Chị Dung cho biết: “Thời tiết nồm ẩm vô cùng khó chịu, nền nhà thì đọng nước rất trơn, mà các con thì hiếu động, chạy nhảy nhiều rất dễ trượt ngã. Cũng do ẩm mốc nên vi khuẩn phát triển khiến các cháu bị cảm sốt, uống thuốc xong đỡ rồi nhưng chưa trị được dứt điểm.”

Cũng liên quan đến hiện tượng nồm ẩm, anh Trần Minh Đức, huyện Thanh Trì (TP.Hà Nội) từng bị giật tê chân do điện hở. Anh Đức chia sẻ: “Mấy năm trước, cũng khoảng đầu Xuân, thời tiết nồm ẩm, nền nhà ướt. Tôi lại không đi dép trong nhà nên đoạn dây nồi cơm bị hở đã tiếp xúc với nền nhà và giật tê bàn chân. Mặc dù sau đó sức khỏe tôi không bị ảnh hưởng nhưng cũng là một trường hợp nguy hiểm, nhất là với trẻ con.”

W_troi-nom-am-3-.jpg
Trong điều kiện nồm ẩm quần áo phơi mấy ngày không khô

Hiện tượng nồm ẩm đã gây khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày của các gia đình. Vì thế mọi người ai cũng tìm cách chống nồm. Tuy nhiên càng chống càng ẩm đó là do gặp phải một số sai lầm như: mở toang cửa khi trời nồm, lau nhà bằng khăn ẩm, đóng kín cửa bật quạt,… Thay vào đó, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp giảm nồm ẩm như: luôn đóng kín cửa nhà khi thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều; bật điều hoà không khí ở chế độ khô; lau nền ướt bằng giẻ khô,...

Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em, các gia đình nên: làm sạch không gian trong nhà, không hút thuốc lá, làm khô không gian sống, vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Bài liên quan
  • Khơi dậy văn hóa đọc sách những ngày đầu Xuân
    Trong những ngày đầu Xuân Quý Mão, nhiều người dân Thủ đô lựa chọn Phố sách Xuân, các quán cà phê sách,… vừa để giao lưu gặp gỡ, vừa để nâng cao tri thức, chiêm nghiệm những giá trị cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Bắc nồm ẩm, cần lưu ý điều gì?