PV: Thưa PGS.TS Bùi Thị An, bà có nhận xét và đánh giá như thế nào về các hoạt động của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong 20 năm vừa qua?
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi được biết đến Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam từ rất lâu và quan tâm đến các hoạt động của Hội nói chung. Tôi thấy rằng Hội đã làm được rất nhiều việc thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và nước sạch.
Tôi đánh giá rất cao các hoạt động của Hội, trong đó có các hội nghị, hội thảo, tọa đàm hướng đến phát triển bền vững. Một số chuyên gia của Hội và trực tiếp lãnh đạo Hội đã đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, nước sạch, phát triển bền vững ở một số Ban, Bộ, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam là Hội xã hội nghề nghiệp, phi lợi nhuận, gần như không có nguồn kinh phí nào từ Nhà nước cấp nhưng Hội rất năng động, sáng tạo và tìm mọi nguồn có thể là xã hội hóa để làm tốt công tác tư vấn phản biện. Việc tư vấn, phản biện của Hội thông qua các hội thảo, tọa đàm được thực hiện rất tốt giúp thúc đẩy trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong 20 năm vừa qua, những việc cụ thể mà Hội đặt ra thì bắt đầu đã đạt được. Gần như ở tất cả các vùng nhân dân cũng đã có nước đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng. An ninh nguồn nước được gọi là an ninh quốc gia bởi vì nước còn là đa dạng sinh học là còn sự sống, cho nên chúng ta mất nước sẽ rất ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng mà nước không chưa đủ, lại còn nước sạch cho nhân dân sử dụng. Ngoài ra, các hoạt động xã hội mà Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam mang lại là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, trong đó có: Lễ phát động “Tháng cao điểm thực hiện chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình năm 2022 và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh”; Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh”; đồng thời hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ các loại rau thải; Ngày hội tái chế; Hội thảo “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada” - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ xử lý rác thải hiện đại là hoạt động tích cực và tâm huyết. Tôi thấy, Hội cần phát thuy và nhân rộng hơn nữa các hoạt động này trong nhiệm kỳ tới.
PV: Trong quá trình hoạt động, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng đã phát triển các Hội thành viên ở các địa phương. Bà đánh giá như thế nào về hoạt động này?
PGS.TS Bùi Thị An: Như chúng ta đã biết, ngoài Hội trung ương thì Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam còn có các thành viên là các Hội địa phương và các đơn vị doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Thông qua hội viên các Hội ở các địa phương thì sức mạnh được nhân lên. Mới đây, văn phòng Hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình đổi rác lấy quà. Đây là việc làm tuy nhỏ, nhưng lại bắt đầu việc rất lớn. Bởi từ đây, việc phân loại rác tại nguồn sẽ dần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực ngày 1/1/2022. Việc này vô cùng quan trọng nếu chúng ta phân loại rác từ đầu nguồn chúng ta sẽ có nền kinh tế tuần hoàn, giảm được về nơi chôn lấp rác và đặc biệt ý thức của người dân tăng lên.
Để hoạt động của các Hội địa phương đạt hiệu quả cao nhất, Hội trung ương cần phát huy đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tác động môi trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo sâu rộng về các vấn đề liên quan đến thiên nhiên, biến đổi khí hậu, đóng góp tiếng nói cho các cơ quan quản lý, các ban ngành trong việc ứng xử với thiên nhiên, môi trường được tốt hơn.
Đồng thời, Hội cần quy tụ đông đảo hội viên và phát huy vai trò của hội viên nhiều hơn nữa, tạo nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường trên nhiều mặt trận, nhiều diễn đàn, đưa công tác bảo vệ môi trường vào cuộc sống, tạo ra một cuộc sống xanh, an lành, hạnh phúc. Ngoài ra, Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường đến từng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa sâu rộng và có hiệu quả thực sự. Hội cần phát huy thế mạnh truyền thông với cơ quan ngôn luận là ấn phẩm Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.
PV: Bà có đánh giá gì về vai trò của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?
PGS.TS Bùi Thị An: Nước có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống con người. Và nước sạch là vấn đề đầu vào của sức khỏe của môi trường. Tôi đánh giá rất cao các mục tiêu của Hội cụ thể là đưa nước sạch đến với mọi nhà. Trong vòng từ 3 đến 5 năm tới chúng ta có đủ 100% nước sạch cho người dân, cho tất cả mọi vùng thì tôi cho đấy là một thành công vô cùng lớn. Nếu Việt Nam làm được điều đấy thì vị thế của Việt Nam sẽ rất khác trong khu vực và quốc tế.
Có thể nói, thời gian qua, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ, tuy nhiên trong giai đoạn mới cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để không lãng phí nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhiệm vụ phản biện xã hội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam thông qua cơ quan ngôn luận là Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cần phải nêu ra những bất cập của thực tế, phản biện, tạo diễn đàn dư luận, truyền thông thông tin một cách kịp thời, hiệu quả.
PV: Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập bà có kỳ vọng và gửi gắm thông điệp gì đến Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và các thành viên của Hội trong thời gian tới?
PGS.TS Bùi Thị An: Theo đánh giá của tôi, thời gian vừa qua, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình để giúp nhân dân có trách nhiệm với môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường đã ngày một được chú trọng hơn, ứng xử với môi trường cũng được nhiều đối tượng người dân đặc biệt quan tâm… Qua các hoạt động của Hội người dân đã phần nào hiểu rõ hơn về thế nào là nước sạch và nước đảm bảo để sinh hoạt.
Hội quy tụ được nhiều hội viên, ủy viên là các chuyên gia về môi trường, các nhà khoa học, doanh nhân trên cả nước, với tinh thần tự nguyện tham gia, nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội nên tiếp tục mở rộng các chương trình nghiên cứu, phổ biến khoa học công nghệ mới, phương pháp quản lý tiên tiến, ứng dụng trong xây dựng, quản lý về bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Mong rằng, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Ban Chấp hành Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa những gì đã đạt được và tạo ra những giá trị, những việc làm thiết thực cụ thể, hiệu quả.
Chúc Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đoàn kết, phát triển, thực sự xứng tầm vai trò, sứ mệnh của mình đối với xã hội.