Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải - Nguyên Chủ tịch Hội đã chia sẻ một số khó khăn về những ngày đầu mới thành lập cũng như một số bước phát triển của Hội trong giai đoạn qua.
PV: Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của những người hoạt động, quan tâm đến lĩnh vực Nước sạch - Vệ sinh môi trường. Ông lại là người đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Hội từ những năm đầu tiên chắc chắn gặp rất nhiều trở ngại. Những khó khăn, trở ngại đó là gì thưa ông?
Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải: Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khi mới bắt đầu cũng như nhiều tổ chức khác cũng gặp những khó khăn. Tôi tham gia vào Hội từ năm 2005 với tư cách là Phó chủ tịch Hội. Thời gian đầu tôi thấy hoạt động Hội là 3 không: Không trụ sở, không kinh phí, không dự án. Về trụ sở thì thường một Hội mới thành lập sẽ được cơ quan chủ quản cho mượn một phòng hoặc cho thuê giá rẻ. Nhưng đây lại không được thế mà Hội phải đi thuê nhà dân. Kinh phí hoạt động chưa có gì cả, vì chưa có Dự án nào. Cũng manh nha có một dự án nhưng chưa được thực hiện thì lại bắt đầu có mâu thuẫn kiện tụng, đơn thư. Khi đó, tôi được cố Giáo sư Phạm Song giao cho phụ trách công tác thanh tra để xử lý việc này. Vậy, có thể thấy các hoạt động lúc ban đầu quả thực là khó khăn.
Trước tình hình đó, cố Giáo sư chủ tịch Hội có bàn với tôi để kiện toàn tổ chức và định hướng lại hoạt động, cần tổ chức Đại hội sớm. Năm 2006 đã tiến hành Đại hội lần thứ II, đổi tên Hội thành Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và bầu tôi làm chủ tịch Hội.
PV: Vậy, trước rất nhiều những khó khăn, trở ngại trên, động lực nào khiến ông gắn bó, tâm huyết với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam suốt một chặng đường dài đó?
Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải: Ngay lúc đầu, khi cố Giáo sư Phạm Song đề nghị tôi làm chủ tịch thì tôi cũng băn khoăn lắm, không biết có nên nhận không? Thế nhưng với ý thức của những người đã hoạt động trong tổ chức đoàn thể 45 năm. Tuy được nghỉ về công tác nhưng mà thấy mình vẫn còn sức lực về thể chất và tinh thần nên cũng muốn tiếp tục đóng góp phần nào đó cho công việc của xã hội, của đất nước. Hơn nữa tôi thấy lĩnh vực nước sạch và môi trường rất quan trọng. Vì nước gắn với cuộc sống. Nếu không có nước thì không có sự sống nào cả. Còn môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Với nhận thức như vậy nên tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình để tiếp tục công việc mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì vậy có những lúc khó khăn nhưng tôi vẫn luôn cố gắng. Hội hoạt động có lúc thăng lúc trầm nhưng mà mình cố gắng duy trì đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Hội.
PV: Thời gian đầu, khi chưa có Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là cơ quan ngôn luận của Hội, Hội đã làm thế nào để tuyên truyền phổ biến những kiến thức về nước, vệ sinh môi trường trong nhân dân và vận động mọi người tham gia các hoạt động liên quan đến cung cấp nước sạch, chống ô nhiễm nguồn nước, cải thiện nguồn nước và vệ sinh môi trường. Ông có thể kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động liên quan đến cung cấp nước sạch?
Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải: Hoạt động truyền thông là một hoạt động trọng điểm của Hội. Từ khi có Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, đặc biệt là Tạp chí điện tử thì truyền thông đóng góp một phần rất quan trọng. Hoạt động của Hội về truyền thông rất đa dạng. Ngoài truyền thông đại chúng nâng cao nhận thức về nước sạch và môi trường thì Hội cũng đã tiến hành nhiều hoạt động khác. Ví dụ như Hội đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến về nước sạch và vệ sinh môi trường. Hay Hội tổ chức những Dự án cấp thôn xã; Hội thảo tập huấn để nâng cao nhận thức về nước sạch và môi trường. Đặc biệt là Hội rất quan tâm đến hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thay đổi hành vi.
Tôi còn nhớ có một dự án truyền thông thay đổi hành vi cấp xã tại xã Huống Thượng, Thái Nguyên. Trước khi có dự án này người dân có những thói quen cần khắc phục. Ví dụ như người dân ở xã, đi qua thành phố mỗi ngày là xách một túi rác vứt xuống sông. Hay là khi làm ruộng thì bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên ruộng. Hay chưa có thói quen sử dụng phân chuồng qua ủ đúng kỹ thuật….. Từ đó, chúng tôi triển khai một dự án điểm về nâng cao nhận thức thay đổi hành vi ở xã Huống Thượng.
Lúc đó, cán bộ Hội mà trực tiếp là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký lăn lộn ở xã hàng tháng trời để thực hiện dự án. Ban đầu là tập huấn nâng cao kiến thức cho những cán bộ chủ chốt của xã đó, từ trưởng thôn đến lãnh đạo các tổ chức đoàn thể xã hội. Sau đó, họ là nòng cốt trực tiếp làm việc với người dân. Bà con đã tự nguyện và vui vẻ tham gia dự án, có những hoạt động đã trở thành ngày hội của người dân. Như ngày hội ký cam kết của người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi đối với lãnh đạo xã. Hay là việc mỗi thôn sáng tác ra một tiểu phẩm liên quan đến nước sạch và bảo vệ môi trường thì người dân ban ngày đi làm buổi tối tập rất hào hứng. Đến hôm biểu diễn nó như là một ngày hội. Thông qua một số hoạt động như vậy kết quả cuối cùng là hiện tượng vứt rác xuống sông không còn nữa. Hiện tượng vứt các chất thải hóa chất bừa bãi ra ruộng cũng không còn và được thu gom lại. Rồi người dân nắm được kỹ thuật trong việc ủ phân chuồng kết hợp với rác thải hữu cơ.
PV: Nhìn lại quá trình 20 năm, ông có những đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hội?
Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải: Hội Nước sạch và vệ sinh Môi trường Việt Nam thành lập năm 2002. Lúc đấy, cố giáo sư Phạm Song - Nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế sáng lập ra để phục vụ cho chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trải qua 20 năm hoạt động, Hội cũng đã làm được một số việc, có đóng góp nhất định trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường.
Về định hướng hoạt động thì từ Đại hội II trở đi, Hội đã đề ra 3 định hướng hoạt động lớn. Đó là: Đưa nước sạch đến với người nghèo mà sau này là đưa nước sạch đến với mọi nhà; Biến chất thải thành tài nguyên; Cùng cộng đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau này còn thêm một định hướng là bảo tồn đa dạng sinh học.
Với những định hướng trên, Hội đã thực hiện được nhiều dự án. Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch Hội không chỉ làm truyền thông mà Hội đã bắt tay vào để mà xây dựng một số trạm cấp nước hoặc là nhà máy cấp nước cho một số địa phương khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Ví dụ như là đã làm những trạm cấp nước hoặc là trạm lọc nước từ các mõ nước ở các vùng miền núi như là Bắc Kạn, Thái Nguyên và Điện Biên.
Hay là chúng tôi cũng rất chú ý đến quê hương của các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Ví dụ như chúng tôi đã vận động ký kết hợp đồng với một tổ chức phi chính phủ nước ngoài để làm một nhà máy nước cho quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở trên dòng Kiên Giang. Hay là trong Quảng Trị thì chúng tôi cũng đã vận động lực lượng quần chúng cùng các nhà hảo tâm hoàn thiện việc cung cấp nước sạch tại một số thôn của Quảng Trị, quê của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Với định hướng biến chất thải thành tài nguyên thì đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa. Lúc này trong Hội có công ty thuộc Hội thu gom rác thải nhựa để chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng. Hay là các tổ chức về hóa chất đã tiến hành xử lý chất thải công nghiệp đồng thời thu được các hợp chất cần thiết.
Với định hướng cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Lúc đó Hội xác định là chủ động ứng phó chứ không phải là “thích ứng”. Định hướng như vậy đối với hiện nay là hoàn toàn chính xác. Trong thực tiễn để ứng phó với biến đổi khí hậu thì Hội không làm được trong hiện trường nhưng Hội đã nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu bằng những dự án, tập huấn, hội thảo. Ví dụ như tổ chức ở Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên và một số nơi khác. Sau này, hoạt động tuyên truyền của Hội ngày càng được phát huy khi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống ra đời.
Về mặt tổ chức, Hội cũng có những bước phát triển nhất định. Đại hội II đã xác định được phương hướng. Từ Hội Nước sạch và Vệ sinh môi trường đổi tên thành Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Hội chú ý kiện toàn về cơ quan tổ chức. Cụ thể, Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội là Phó chủ tịch hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời Hội cũng là thành viên của Liên hiệp các Hội và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Có thể thấy, về mặt tổ chức Hội cũng đã chú ý để phát triển theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức Hội tại các tỉnh thành còn hạn chế.
Nhìn lại 20 năm phát triển hoạt động của Hội có lúc thăng lúc trầm, có lúc làm được nhiều, có lúc làm được ít. Nhưng với bối cảnh chung và với tính chất của các Hội xã hội, nghề nghiệp như vậy thì thì Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng cố gắng tồn tại và phát triển, đã có những đóng góp nhất định vào hoạt động cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường.
PV: Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, ông có mong muốn như thế nào về các lớp lãnh đạo và cán bộ sau này của Hội?
Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải: Tôi luôn tin tưởng rằng, với đội ngũ lãnh đạo sau này sẽ luôn làm tốt hơn thế hệ chúng tôi trước kia. Bởi lực lượng mới luôn dồi dào năng lượng.
Đồng thời, tôi cũng mong muốn Hội không những giữ vững được hoạt động của mình và còn phát triển hơn. Muốn vậy thứ nhất Hội phải đổi mới về tổ chức, kể cả đổi tên Hội. Hội cần thu hút nhiều hơn các lực lượng như các doanh nghiệp, cán bộ chuyên môn ngành môi trường để thực hiện chức năng tư vấn, phản biện. Bởi Hội là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, tôi chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên và các tổ chức của Hội dồi dào năng lực, tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới trong hoạt động nước và môi trường.