Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Minh Minh|11/12/2022 11:00

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân góp phần nhỏ trong việc bảo vệ lá phổi xanh của nhân loại. Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam luôn có những cố gắng trong việc triển khai định hướng cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.jpg
Đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, Hội nghị Trung ương khóa XI, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã nêu một số quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là:

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển khoa học - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng. Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

bien-doi-khi-hau.jpg
Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trao quà cho bà con vùng lũ tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình năm 2020

Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế.

Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đề cập tới nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Hiến pháp. Quốc hội các khóa gần đây cũng đã thông qua nhiều luật liên quan, như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013… Kể từ năm 2007 đến năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 109 văn bản, trong đó có 2 nghị quyết, 23 nghị định, 82 quyết định và 2 chỉ thị về lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Quyết định 2053/QĐ-TTg, ngày 28-10-2016, “Về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu”; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”… Các bộ, ban, ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa, triển khai nhiều chương trình hành động nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý. Như vậy, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tiến hành các buổi làm việc ngay từ những ngày đầu diễn ra COP27, thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, không chỉ hình thành thị trường carbon mà Việt Nam sẽ tiến tới xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác.

Tại các buổi làm việc ở COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26. Bộ trưởng cũng thông tin về việc Việt Nam đã triển khai các biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng nhằm hướng tới mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý rằng việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế vừa giảm phát thải khí nhà kính là một bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ.

Việt Nam là một trong những quốc gia tại COP26 đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về việc sẽ đưa phát thải ròng về mức bằng không vào năm 2050; cùng với đó là những cam kết như từ năm 2030 sẽ không xây mới điện than, từ năm 2040 sẽ loại bỏ dần điện than. Việt Nam cũng có những tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thực hiện đúng các cam kết quốc tế không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn là đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta và các thế hệ mai sau.

Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm qua, biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến phát triển kinh tế, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân nhất là các tỉnh miền Trung, vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia công tác truyền thông đối với cộng đồng đân cư, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về những nguy cơ, thách thức của Biến đổi khí hậu, có ý thức chủ động phòng tránh, ứng phó với diễn biến phức tạp, giảm thiểu thiệt hại gây ra, tham gia vào một số hoạt động của Chương trình Mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội đã tổ chức 4 lớp tập huấn truyền thông về Biến đổi khí hậu ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Bắc Kạn, Thái Bình đạt kết quả tốt, cán bộ học viên ở các lớp được cung cấp cơ bản kiến thức về biến đổi khí hậu, những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

hnsvmt(1).jpg
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam làm việc với Cục Biến đổi khí hậu.

Trong năm 2022, Hội nước sạch và môi trường Việt Nam đã khởi động đề án trồng 10 triệu cây xanh trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch đặt ra yêu cầu đến năm 2025 sẽ trồng 10 triệu cây xanh trên phạm vi toàn quốc. Đề án sẽ kiến tạo, thí điểm và vận hành mô hình hoạt động thật đơn giản để người dân trên cả nước có thể dễ dàng tham gia.

Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam luôn có những cố gắng trong việc triển khai định hướng cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Mong rằng qua các hoạt đông của Hội sẽ góp một phần trong việc lan tỏa và tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, của mỗi người dân, từ đó có những hành động thiết thực, phù hợp để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu