Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, tôi có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ IV đến nay, Hội đã vượt qua một số khó khăn, thách thức và đạt được một số bước tiến quan trọng.
Kiện toàn bộ máy tổ chức Hội
Bộ máy nhân sự, chủ chốt cũng như Ban lãnh đạo Hội ngày càng được kiện toàn và chuyên nghiệp hơn.
Trong nhiệm kỳ IV, từ năm 2019 – 2022, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã kết nạp nhiều hội viên tập thể và cá nhân. Đáng chú ý, Hội có một đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khóa XV đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam. Đến tháng 5/2022, văn phòng đại diện của Hội tại TP. Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động với sự tham gia tích cực của các hội viên cá nhân và tập thể cùng nhiều chương trình ý nghĩa, gây được tiếng vang lớn. Ngay khi ra mắt, Hội Nước sạch và Môi trường khu vực phía Nam đã phát động triển khai đề án trồng 10 triệu cây xanh; duy trì các chương trình Buổi tối thứ Sáu vì Tương lai tươi sáng, chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” hàng tuần, hàng tháng.
Nhằm tăng cường tính phản biện trong các lĩnh vực nước sạch, môi trường và biến đổi khí hậu, hiện nay Hội có 2 viện là Viện Pháp lý, Bảo vệ Tài nguyên Nước và Môi trường và Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường.
Biến thách thức, khó khăn thành cơ hội
Trong 02 năm qua, cùng với cả nước và thế giới trải qua đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ lịch sử năm 2020 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Không thể tránh khỏi những khó khăn chung, qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo Hội, cùng sự quan tâm của các đơn vị thành viên thuộc Hội, Văn phòng Hội đã được chuyển đến một trụ sở làm việc mới, khang trang, chuyên nghiệp, mang tính ổn định và tạo đà cho sự phát triển của Hội trong những năm tiếp theo.
Khó khăn về vật chất, nhưng bằng sự quyết tâm và đồng lòng của Ban lãnh đạo Hội Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng và cống hiến của các Hội viên cấp cơ sở, tổ chức và cá nhân, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam là tập hợp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, cùng nhau chung tay xây dựng tổ chức hội vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Vững bước vươn xa
Vượt mọi hoàn cảnh khó khăn, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã có nhiều việc làm thiết thực đưa nước sạch đến với người nghèo, vùng sâu, vùng xa; Tổ chức đoàn thiện nguyện đến các tỉnh miền Trung hỗ trợ bà con vùng lũ vượt qua thiên tai lịch sử năm 2020; Phối hợp cùng Bộ TN&MT tổ chức hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường” nhằm góp thêm tiếng nói trong công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; Phối hợp cùng Lãnh sự quán Canada tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo: “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada”; Cùng TP.Hồ Chí Minh chung tay chống dịch Covid-19; Đồng thời, Hội cũng có nhiều chuyến đi thực tế tham quan mô hình sản xuất tảo xoắn tại Lạng Sơn; thăm và làm việc tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam; tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
Kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước với những thành quả đã đạt được và sự đồng lòng từ Hội Trung ương đến cơ sở, lãnh đạo Hội và các cá nhân, thời gian tới Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tiếp tục duy trì tổ chức Hội với phương châm, mục tiêu và định hướng ban đầu trong lĩnh vực nước sạch, môi trường và biến đổi khí hậu. Hội sẽ tăng cường phát triển; Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt tại các cơ sở Hội tạo đà cho những bước tiến về sau; Kết nạp thành viên mới, trong đó có khối doanh nghiệp để có nguồn ngân sách duy trì hoạt động Hội và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã được định hướng; Ban lãnh đạo Hội cũng có kế hoạch phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đề thực hiện nhiều hoạt động, dự án về an ninh nguồn nước, cải thiện môi trường sống xanh - sạch - đẹp và chung tay hành động để Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26); Song song với đó, Hội sẽ thúc đẩy, tăng cường phối kết hợp giữa các đơn vị Hội cơ sở, Viện Pháp lý, Bảo vệ Tài nguyên Nước và Môi trường và Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường cùng Tạp chí Môi trường & Cuộc sống (Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội) tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo… nhằm tăng thêm tiếng nói, tính phản biện của Hội. Cũng như khuyến khích các đơn vị Hội, cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội giúp tăng cường tiếng nói, vị thế và sự lớn mạnh của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam những chặng đường phát triển về sau.
Đặc biệt, Ban lãnh đạo Trung ương Hội cũng sẽ phân công nhiệm vụ cho từng hội viên, cá nhân có các bài viết mang hàm lượng khoa học cao, tính phản biện về các lĩnh vực nước sạch, môi trường, biến đổi khí hậu, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đăng tải trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn cũng như các số Tạp chí in được duy trì xuất bản hàng tháng. Đồng thời, phát huy tốt vai trò truyền thông của Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội luôn hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích trong lĩnh vực báo chí, định hướng mà Hội Nước sạch và Môi trường định hướng. Để Tạp chí luôn đón nhận được sự tin yêu của độc giả khắp mọi miền đất nước, là tờ Tạp chí chuyên ngành hàng đầu, uy tín đối với các nhà khoa học và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng thời, tôi rất mong muốn trong thời gian tới Hội chúng ta tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết để đồng lòng, chung tay xây dựng Hội ngày càng phát triển vững mạnh và xứng đáng với tên gọi là Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam.