Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Lan tỏa thành công phong trào chống rác thải nhựa gắn với định hướng "Biến chất thải thành tài nguyên"

Mai Dung|08/12/2022 11:13

Với những định hướng hoạt động xuyên suốt, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã khơi dậy, huy động được sức mạnh và nguồn lực đặc biệt trong phong trào chống rác thải nhựa có tác động tích cực đến ý thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

w_6cf115a3-d5e7-48d2-934c-5483496746c8.jpeg
Chương trình "Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh" luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân

Cùng hành động, giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đô thị hóa và phát triển làng nghề nông thôn, việc xử lý chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt là vấn đề bức xúc hiện nay cũng như lâu dài.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

w_ngay-hoi-tai-che-tp-hcm-7.jpg
Nhiều loại chai nhựa, giấy – là những loại rác có khả năng tái chế cao đều được người dân thu gom và mang đến đổi quà tại Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh”

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra tại Việt Nam. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa: Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa.

Lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa gắn với định hướng "biến chất thải thành tài nguyên"

Ba định hướng của Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam là “Đưa nước sạch đến với người nghèo"; "Biến chất thải thành tài nguyên"; "Cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu". Với định hướng “Biến chất thải thải thành tài nguyên’’, được thực hiện xuyên suốt và có nhiều việc làm thiết thực, Hội tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 4 cuộc Hội thảo và tập huấn nâng cao nhận thức và hiểu biết của chính quyền và người dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung và các vấn đề xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi và xử lý chất thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang .

w_phan-loai-rac-1.jpg
Đoàn công tác của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội

HTX Vệ sinh môi trường thị trấn An Châu, huyện Sơn Động thu gom 5400m3/năm, tổng lượng rác thu gom 37.400m3 được chôn lấp xử lý bằng công nghệ EM.

HTX Môi trường Cựu Chiến binh xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa là mô hình điểm của Hội về tái chế nylon, nhựa phế thải thành hàng hóa, đã xử lý 120 tấn phế liệu, sản xuất ra 2500 sản phẩm như xô, thùng, chậu ...

Hội tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng trạm xử lý rác thải để sản xuất ra phân hữu cơ vi sinh.

Hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chọn công nghệ xử lý rác MBT – CD08 của Công ty TMCP Thủy Lực - Máy tại thị xã Sông Công tỉnh Thái Nguyên.

Hội đã phối hợp cùng Lãnh sự quán Canada tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo: “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada”; Cùng TP. Hồ Chí Minh chung tay chống dịch Covid-19; Đồng thời, Hội đã thăm và làm việc tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam; tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Cùng với đó, Hội đã tổ chức nhiều phong trào thu gom, tái chế rác thải ở các địa phương đều mang lại hiệu quả thiết thực. Văn phòng Hội tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hoạt động “Ngày thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh”, khởi động vào ngày 20/8/2022 tại quận Gò Vấp, hợp tác với Liên hiệp hội phụ nữ của quận. Văn phòng tổ chức tập huấn cho các chi hội phụ nữ quận Gò Vấp phương pháp ủ các chất thải hữu cơ trong gia đình thành phân mùn hữu cơ để trồng rau sạch và cây xanh cho gia đình. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cấp chính quyền, các đoàn thể, hộ dân và doanh nghiệp.

w_ngay-hoi-tai-che-tp-hcm-8.jpg
Văn phòng Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tổ chức hướng dẫn sử dụng rác hữu cơ gia đình (Nhóm 2) để ủ làm phân hữu cơ Compost, tự trồng rau sạch hữu cơ

Tổng hợp trong 4 tháng năm 2022, chương trình “Ngày thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” đã thu được trên 4 tấn rác tái chế các loại, trên 100 kg chất thải nguy hại trong gia đình (pin, bóng đèn), thu hút được trên 2000 hộ dân tham gia tại 3 quận tại TP.HCM.

Trong năm 2023, Văn phòng Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển rộng hơn chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” tại nhiều địa bàn tại TP.HCM và các tỉnh khác tại ĐBSCL. Có thêm doanh nghiệp tham gia tài trợ và thu gom tái chế chất thải. Tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn ủ phân compost từ rác hữu cơ trong gia đình. Tiến tới đào tạo đội cộng tác viên chuyên tư vấn cho cộng đồng.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng nhìn nhận, các hoạt động xã hội mà Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam mang lại là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, trong đó mới đây có: Lễ phát động “Tháng cao điểm thực hiện chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình năm 2022 và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh”; Hội thảo “Từ rác tới tài nguyên – giải pháp từ Canada” - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ xử lý rác thải hiện đại hoạt động tích cực và tâm huyết; tổ chức Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh”; đồng thời hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ các loại rau thải; Tổ chức "Ngày hội tái chế" - Đây là việc làm tuy nhỏ, nhưng lại bắt đầu việc rất lớn.  Bởi từ đây, việc phân loại rác tại nguồn sẽ dần được thực hiện theo đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực ngày 1/1/2022. Việc này vô cùng quan trọng nếu chúng ta phân loại rác từ đầu nguồn là chúng ta sẽ có nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta sẽ làm giảm được về nơi chôn lấp rác và đặc biệt ý thức người dân tăng lên".

Với những hoạt động thiết thực, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và định hướng "Biến chất thải thành tài nguyên" đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nói chung, phong trào chung tay “chống rác thải nhựa” nói riêng gắn với mục tiêu hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Đề án Tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa (RTN) ở Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2021 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng RTN phát sinh; giảm thiểu 50% RTN trên biển, đại dương và 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Lan tỏa thành công phong trào chống rác thải nhựa gắn với định hướng "Biến chất thải thành tài nguyên"