Mô hình công nghiệp xanh (Bài 2): Một xu hướng của phát triển bền vững

Tuấn Kiệt|24/09/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày nay, ‘Công nghiệp Xanh’ là cụm từ đang được các doanh nghiệp đặt mục đích hướng tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, xu hướng phát triển công nghiệp xanh được chú trọng và dần rõ nét hơn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác.

Định hướng phát triển chính sách công nghiệp xanh tại Việt Nam hiện nay

Nhận thấy xu hướng phát triển xanh là giải pháp tất yếu và bền vững cho nền kinh tế hiện tại và tương lai, nhà nước ta đã chú trọng vào các chính sách công nghiệp xanh, tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển các mô hình kinh tế bền vững ngay từ giai đoạn đầu, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, đảm bảo môi trường sống sạch và an toàn.

Chính sách công nghiệp xanh (CSCNX) là công cụ pháp lý hiệu quả để đạt được những chuyển đổi căn bản và lâu dài, duy trì điều kiện sống tương đối ở hiện tại và cho các thế hệ tương lai. Theo nghĩa rộng hơn, CSCNX gồm những chính sách điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế, gắn với phát triển bền vững, bao hàm cả khả năng tự điều chỉnh và phục hồi của hệ sinh thái và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Định nghĩa về CSCNX, thường chỉ tập trung vào các giải pháp thay thế bằng nhiên liệu hàm lượng cacbon thấp hoặc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.

CSCNX đóng vai trò giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hình thức ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất và biến đổi khí hậu) và phát triển đất nước theo hướng bền vững lâu dài trong tương lai.

CSCNX ra đời giúp ứng phó những mục tiêu mà chính sách công nghiệp chưa đạt được, xúc tiến quá trình chuyển hóa xanh, đưa nền kinh tế tiến tới phát triển bền vững. Nói cách khác, CSCNX là biện pháp hữu hiệu để khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu toàn cầu – vốn được xem là thất bại lớn nhất trong lịch sử nhân loại gây ra. Trong bối cảnh kinh tế đang phát triển, nền công nghiệp xanh sử dụng một cách hữu hiệu những công cụ pháp lý nhằm thiết lập quyền tiếp cận và hạn ngạch sử dụng nguồn tài nguyên, tối thiểu hóa tác nhân gây ô nhiễm hay chính sách thuế môi trường phản ánh trực tiếp chi phí xã hội từ ô nhiễm và giá cả, khiến thay đổi hành vi tiêu dùng trong ngắn hạn và hướng tới phát triển ngành công nghiệp sạch theo định hướng bền vững.

mo-hinh-cong-nghiep-xanh.jpg
Phát triển công nghiệp xanh đang là xu hướng của nền kinh tế bền vững

Xu hướng công nghiệp xanh trên thế giới?

Ta có thể kể đến một số nước có thành tựu tiêu biểu như:

Đan Mạch – Quốc gia đi đầu trong phát triển xanh. Đan Mạch ra lệnh hạn chế sử dụng các vỏ loại túi và bao bì khác nhau. 20% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch là năng lượng gió. Các nhà sản xuất cối xay gió đạt được thành công đột phá về mặt công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ turbin gió.

Hàn Quốc: Đẩy mạnh tiêu dùng xanh. Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỷ Won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956.000 việc làm.

Mỹ: Nâng cao kĩ thuật sản xuất xanh. Mỹ lựa chọn việc phát triển năng lượng thay thế làm hướng đi chính cho sự phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt mục tiêu đến năm 2030, 65% năng lượng tiêu thụ và 35% nhiệt lượng là năng lượng từ lắp đặt tấm pin mặt trời.

EU: Nói không với nguyên liệu hóa thạch. EU cũng thông qua chương trình hướng tới nền kinh tế với lượng carbon thấp giai đoạn 2050. Chương trình đặt mục tiêu giảm 40-44% lượng khí thải đến năm 2030 và giảm 79-82% vào năm 2050. Ngoài ra, chương trình còn đề ra phương pháp hoàn thiện các
mục tiêu khác như giảm chi phí (175-320 €/ năm).

Trung Quốc: Triển khai công nghệ nano. Trung Quốc phấn đấu đến 2020 đạt 15% lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, giảm 45% lượng carbon khí thải. Xu hướng phát triển xanh tại Trung Quốc bắt đầu bằng kế hoạch 5 năm từ năm 2011. Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa hơn 2.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khối lượng đầu tư nhà nước trong lĩnh vực bảo toàn năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ thích ứng vượt qua chỉ tiêu của Mỹ và EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã chiếm 40% lượng xuất khẩu pin mặt trời thế giới.

mo-hinh-cong-nghiep-xanh-1.jpg
Đặc khu kinh tế xanh tại TP. Quảng Châu, Trung Quốc

Quy trình để trở thành doanh nghiệp xanh

Để trở thành một doanh nghiệp xanh, các công ty cần phải chứng minh và trải qua rất nhiều quy trình, đánh giá. Một số quy trình cơ bản để xác nhận doanh nghiệp xanh phải kể đến như:

Tiêu chí đánh giá

Một doanh nghiệp được đánh giá là “Doanh nghiệp Xanh” cần phải có 3 yếu tố đánh giá sau:

– Doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về các điều lệ bảo vệ môi trường;

– Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tiêu chuẩn môi trường;

– Doanh nghiệp phải tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường cùng nhiều vấn đề liên quan khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, tiêu chuẩn xả thải công nghiệp,… Đây là một trong những tiêu chí được đánh giá cao. Không chỉ vậy, việc này còn giúp các doanh nghiệp có môi trường trong lành, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường sống, thiên nhiên,…

Các bước để trở thành một “Doanh nghiệp Xanh”:

Bước 1: Tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường

Để trở thành một doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường liên quan tới kinh doanh một cách nghiêm túc. Đồng thời, doanh nghiệp nên thực hiện những gì mình đã đề ra.

Những quy định về tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp hoạt động theo đúng những quy định của pháp luật.

Bước 2
: Phát triển một hệ thống quản lý môi trường

Điều hành một doanh nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tạo ra một không gian làm việc lành mạnh, thân thiện với môi trường và tối ưu việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Do đó, kế hoạch quản lý hệ thống này sẽ giảm thiểu được rất nhiều rắc rối khi tác động tới môi trường.

Bước 3
: Thiết lập Văn phòng xanh

Nếu như doanh nghiệp đang muốn phát triển thành “Doanh nghiệp Xanh”, tốt nhất nên nâng cấp văn phòng hiện tại. Để tối ưu, hãy đảm bảo “Văn phòng Xanh” có hệ thống điều hòa và hệ thống ánh sáng với cách sử dụng năng lượng hiệu quả.

Bước 4
: Mua sắm xanh

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần cân nhắc mua các sản phẩm có tính chất thân thiện với môi trường như:

– Sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc đã qua sử dụng;

– Chế phẩm sinh học;

– Các sản phẩm không có chất hóa học, chất độc hại;

– Ưu tiên các sản phẩm có tính tiết kiệm năng lượng;

– Dùng các dòng sản phẩm có thể làm mới hoặc tái chế;

– Dùng các sản phẩm nội địa như các sản phẩm hữu cơ.

mo-hinh-cong-nghiep-xanh.jpeg
Trung tâm kho vận YCH –Protrade Distripark – công trình công nghiệp thứ 2 đạt chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam, LEED Bạc, 2011. Nguồn: Hội đồng công trình xanh Mỹ

Bước 5: Tối ưu việc sử dụng năng lượng

Sử dụng nguồn năng lượng hợp lý luôn là một bước kinh doanh thông minh của các doanh nghiệp. Chỉ cần những thao tác nhỏ, việc quản lý chi tiêu, cắt giảm chi phí, lợi nhuận cũng trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, quản lý việc sử dụng năng lượng chính là hiến lược quản lý môi trường của doanh nghiệp. Một số ví dụ sử dụng năng lượng hiệu quả điển hình:

– Chú trọng việc mua sắm các thiết bị tiết kiệm và có thể tái sử dụng năng lượng cho văn phòng;

– Hướng dẫn sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đến các nhân viên;

– Tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng xanh và tái chế.

Bước 6
: Giảm thiểu, tái chế rác thải và tái sử dụng

Trên thực tế, tất cả các ngành kinh doanh đều sẽ tạo ra rác thải. Với một số ngành nghề đặc trưng, chỉ bao gồm giấy và nước thì có khả năng gây hại cho môi trường thấp hơn. Tuy nhiên, đa phần những ngành công nghiệp khác đều bắt buộc dùng những hóa chất. Do đó, rác thải từ chúng cũng rất độc hại và nguy hiểm cho cả môi trường và con người. Để xử lý những nguồn rác thải này, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, việc khôi phục những tác hại do chúng gây ra càng mất nhiều thời gian hơn.

Song song đó, việc xử lý rác thải cũng khá tốn kém. Doanh nghiệp phải chi trả một số tiền lớn để xử lý chúng. Sau khi xong việc, chúng ta lại phải bỏ một khoản lớn để xử lý. Vì vậy, việc tái chế sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền cho doanh nghiệp. Ngoài cắt giảm chi phí xử lý, tái chế cũng ngăn nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu mua nguyên liệu thô, vật liệu và thiết bị văn phòng mới.

Hơn nữa, nếu có thể thực hiện tốt phương pháp tái chế, doanh nghiệp cũng có thể nâng cao tính đồng bộ, tăng năng suất và hình ảnh của thương hiệu. Quy trình xử lý rác thải kinh doanh bao gồm:

– Dùng lại các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tái chế;

– Loại bỏ những quy trình đóng gói không cần thiết;

– Ưu tiên việc sử dụng các bao bì làm từ giấy, có thể tái chế và thân thiện với môi trường.

Bước 7
: Tiết kiệm nước

Khi sử dụng nước hợp lý, doanh nghiệp không chỉ giúp quốc gia bảo vệ nguồn nguyên liệu thiên nhiên quý giá, mà còn giảm được các chi phí liên quan tới việc mua, làm nóng, sử dụng và xử lý nước bẩn. Để tiết kiệm nước, các doanh nghiệp có thể tham khảo các hướng xử lý sau:

– Sử dụng các thiết bị công nghệ tốt nhất, có khả năng tiết kiệm nước tối ưu;

– Kiểm tra và bảo trì hệ thống ống dẫn thường thường xuyên, tránh rò rỉ;

– Giảm thiểu tối đa các loại nước thải bị ô nhiễm ra ngoài môi trường.

Bước 8
: Xây dựng chiến lược marketing xanh

Khi phát triển thương hiệu xanh, doanh nghiệp cần cho người tiêu dùng hiểu được ý định của mình. Trong các chiến dịch truyền thông, các doanh nghiệp cần định vị rõ, hoạch định kế hoạch rõ ràng. Những chiến dịch lớn nhỏ đều nhằm vào mục tiêu để khách hàng hiểu về tầm quan trọng của việc phát triển môi trường xanh và câu chuyện phát triển thương hiệu “xanh” của doanh nghiệp.

mo-hinh-cong-nghiep-xanh-3.jpeg
Phát triển mô hình công nghiệp xanh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức

Thách thức trong phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam

Theo đại diện của Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn quốc tế về Chính sách cơ cấu và công nghiệp xanh cho Việt Nam, để có một nền công nghiệp xanh nước Đức luôn khuyến khích những sáng kiến trong công nghiệp, những mô hình hay được phát huy, nhân rộng... Tuy nhiên, với Việt Nam có những khó khăn riêng, đó là những quan ngại trong vấn đề làm sao để phát triển hài hoà giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế...

Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, ngày nay, vấn đề cấp thiết đặt ra tại các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đang không ngừng phát triển kinh tế với mục tiêu giảm đói nghèo nhằm đạt được mục tiêu tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, sự xuống cấp về môi trường, biến đổi khí hậu và suy thoái về nguồn lực đang ngày càng gia tăng đòi hỏi các nước này phải đánh giá lại con đường phát triển của mình. Trong đó, tăng trưởng xanh cần phải được coi như một nhánh của phát triển bền vững bởi một quốc gia không chỉ khuyến khích tăng trưởng kinh tế mà còn cần quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội...

Có thể nói, trong quá trình tăng trưởng, các ngành kinh tế, sản xuất và các yếu tố sản xuất trong ngành phải thay đổi. Chính sách công nghiệp xanh là tập hợp của nhiều chính sách cụ thể nhằm vào quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu và các quy trình giúp tăng trưởng bằng việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và giảm tác động tiêu cực bên ngoài đến môi trường.

Chiến lược Tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về một sự tăng trưởng với nền công nghệ sạch, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Đức, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp, 3 thách thức lớn của chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là nhận thức, năng lực, thể chế. Mặt khác quá trình xanh hóa diễn ra chậm do xuất phát điểm thấp như ô nhiễm công nghiệp vẫn rất nghiêm trọng; sản xuất sạch hơn vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng; quản trị doanh nghiệp yếu kém, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO.

Về năng lực sản phẩm xanh, thực tế Việt Nam còn ít sản phẩm được cấp nhãn xanh so với thị trường Hàn Quốc là gần 9000; thiếu nguồn nhân lực đối với sẩn phẩm xanh; lực cản thị trường lớn; sản phẩm chưa phù hợp, giá thành cao. Đặc biệt, năng lực công nghiệp môi trường của Việt Nam còn yếu kém, tỷ lệ chất thải sinh hoạt và nước thải đô thị được xử lý thấp.

Cũng theo các chuyên gia, Nam đã bước đầu hình thành khung thể chế hướng tới nền công nghiệp xanh như khung pháp luật, chính sách khuyến khích, hệ thông tiêu chuẩn định mức, cơ quan chịu trách nhiệm, tổ chức liên quan. Đồng thời các chuyên gia cũng chỉ ra thách thức về tài chính cho phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay là hạn chế nguồn ngân sách để thực thi chiến lược phát triển công nghiệp xanh, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn kinh tế, chưa có những thể chế tài chính.

Trước những khó khăn, thách thức trên, nhiều giải pháp được kiến nghị như cần có sự tiếp cận và giải quyết đa ngành trong thể chế và phối hợp chính sách công nghiệp xanh; sự tiếp cận theo vùng, tăng cường liên kết theo vùng; cần đề cập đến vài trò của bên liên quan khác...

Tăng trưởng công nghiệp xanh ở Việt Nam là con đường đúng đắn và hợp lý, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần bị cạn kiệt. Do đó, tăng trưởng xanh cần có khung chính sách hợp lý và lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình công nghiệp xanh (Bài 2): Một xu hướng của phát triển bền vững