Xanh hóa các khu, cụm công nghiệp (Bài 1): Xu thế tất yếu

Tuấn Kiệt|12/09/2023 20:00

Ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng môi trường xanh được coi như một phần của phát triển kinh tế bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biển đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện được thì việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sinh thái chính là giải pháp mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, khắc phục những bất cập về lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh là việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự quan tâm dành cho môi trường, nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai, đạt được thông qua phát triển văn minh và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các quốc gia và doanh nghiệp có xu hướng tìm đến chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với khủng hoảng cạn kiệt tài nguyên.

xanh-hoa-khu-cum-cong-nghiep.png
Xanh hóa các cụm, khu công nghiệp là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế bền vững

Một xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế bền vững

Tính từ thời điểm KCN đầu tiên của Việt Nam được hình thành tại Hải Phòng đến nay, theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, Khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hơn 400 KCN hiện đi vào hoạt động, đóng góp rất hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Sự phát triển lớn mạnh về quy mô, cơ hội tạo ra việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã từng bước chứng tỏ vai trò của các KCN, khu chế xuất.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và biển đối khí hậu nói chung mà Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề.

Vì lẽ đó, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, trong đó có các KCN, theo hướng bền vững, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việc xây dựng các KCN sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

xanh-hoa-cum-khu-cong-nghiep-1.jpg
Dự án KCN Hải Long được chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng theo hướng xanh

Việt Nam tích cực chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp xanh

Tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái".

Tính đến hết tháng 9/2022 đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, với 403 KCN đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm: "Đối với KCN và Khu kinh tế, tinh thần khẩn trương và quyết liệt đẩy mạnh quá trình xanh hoá và phát triển bền vững đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hoá thành những văn bản quan trọng. Đây có thể nói là quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam".

Đại diện UNIDO tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao định hướng của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Bà Thanh Thảo cho biết: "Mô hình KCN sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những định hướng chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời góp phần thu hút nguồn lực từ tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân nhằm giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống tốt cho người dân và đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)".

xanh-hoa-khu-cum-cong-nghiep-3.jpg
Các kế hoạch và triển khai nhiều dự án xây dựng cụm, khu công nghiệp xanh đang hiện thực những cam kết của Việt Nam tại COP 26 trong việc đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050

Những tín hiệu vui

Ngày 10/2/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore, đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp (KCN) theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Thời gian thực hiện trong vòng 3 năm tới.

Ngay sau đó, cũng trong tháng 2/2023, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Long (Tiền Hải, Thái Bình) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư chính thức động thổ.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày Nhà nước bàn giao đất. Mục tiêu sẽ xây dựng KCN theo hướng xanh, bền vững, như đúng tôn chỉ mà doanh nghiệp này đã thực hiện trong suốt hơn 10 năm qua tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Những dự án mới và sắp triển khai tới đây mang đến những dự cảm lạc quan cho tiến trình xanh hóa KCN hiện nay. Đây là xu thế tất yếu để góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cụ thể hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, bảo đảm phát triển bền vững.

Trong số hơn 400 KCN đang hoạt động trên khắp cả nước, số lượng các KCN theo hướng xanh, sinh thái vẫn chưa phổ biến. Trong giai đoạn 2015 – 2019, cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Các doanh nghiệp này đã thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Với mục tiêu như bà Bích Ngọc chia sẻ, điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong việc đẩy mạnh quá trình xanh hóa và phát triển bền vững đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hoá thành những văn bản quan trọng. Song, mục tiêu này không dễ dàng.

xanh-hoa-khu-cum-cong-nghiep-4.png
Bình Dương tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Các khu công nghiệp tại Đông Nam bộ tích cực chuyển đổi xanh

Là trung tâm kinh tế của cả nước, vùng Đông Nam Bộ đã và đang phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao.

Kinh tế xanh là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu; trong đó, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước là TP Hồ Chí Minh đóng vai trò then chốt. Có nhiều lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của TP Hồ Chí Minh như: Phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 là mục tiêu đầy tham vọng. TP Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và mong muốn, kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện được mục tiêu.

Nằm ở trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tỉnh Bình Dương có số lượng lớn các khu công nghiệp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đang tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Từ đó, xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía Nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học - công nghệ, để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại.

Thực tế, Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, tại huyện Bắc Tân Uyên. Đây là minh chứng cho quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của tỉnh Bình Dương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, dự án VSIP III đánh dấu một bước phát triển mới của Bình Dương. Đặc biệt, dự án được triển khai theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, phù hợp với xu thế của thế giới và Việt Nam.

Tại tỉnh Đồng Nai, do công nghiệp phát triển sớm và nhanh nên đã đón được nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư ồ ạt trong thời gian dài gây ra không ít thách thức về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội.

Hơn một thập kỷ trở lại đây, Đồng Nai đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng như: Bosch, Hyosung, Schaeffler, Nestlé…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai Thái Thanh Phong cho biết, từ năm 2010, tỉnh Đồng Nai triển khai chương trình sản xuất sạch hơn với nhiều giải pháp thiết thực; trong đó, có hỗ trợ tập huấn kiến thức, chi phí đổi mới công nghệ, kiểm toán năng lượng. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trở thành bạn hàng với các thương hiệu đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, tỉnh còn nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ vào thực tiễn lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động… để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh hóa các khu, cụm công nghiệp (Bài 1): Xu thế tất yếu