Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, đảm bảo có đủ quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước; nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nghiên cứu bổ sung chính sách mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường bảo đảm tương thích, thống nhất với công ước quốc tế và Luật bảo vệ môi trường; rà soát bổ sung nội dung tích lũy, tích trữ nước ngọt, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước; nghiên cứu, mở rộng hơn cơ chế giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến nước dưới đất.
Hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo rõ ràng, khả thi, tránh dàn trải, trùng lắp và không mâu thuẫn với các luật khác, nhấn mạnh việc phục hồi tài nguyên nước; bổ sung thêm chức năng phòng, chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ, điều hoà chống úng, chống ngập, phân lũ, chắn lũ…; quy định cụ thể hơn phân cấp và lộ trình xác định dòng chảy tối thiểu.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để đảm bảo phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Quy định rõ thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước, trong việc ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nước..., tránh chồng chéo giữa các luật trong thực thi.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ từng điều khoản của dự thảo Luật đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi, tính thống nhất; rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kể cả các luật đang sửa đổi.
Rà soát để quy định tối đa trong Luật các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm; hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo dự án Luật, nghiên cứu quy định trong các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn để các tổ chức, cá nhân thực hiện, không nhất thiết phải xin cấp phép…