Mở rộng đối tượng xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Minh Trang|02/11/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp với chuyên gia luật quốc tế để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận chi tiết về nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng. Đặc biệt là các nội dung trao đổi, phân tích chuyên sâu về kinh tế nước, giá trị của nước, tài chính nước, ….

Theo các chuyên gia, tài nguyên nước về bản chất là một loại hàng hoá thị trường mang những tính chất đặc biệt. Tính chất đặc biệt của hàng hóa nước được thể hiện ở việc coi nước là một hàng hóa công, tư, hay một dạng hàng hóa bán công/tư, việc phân loại này sẽ phụ thuộc vào nguồn nước, mục đích sử dụng cũng như bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Luật nên quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, các khoản thu tài chính tối thiểu phải bằng chi phí bỏ ra để quản lý tài nguyên nước.

Việt Nam được xem là nước xuất khẩu nhiều nước nhất thế giới (xét về khía cạnh đóng góp của tài nguyên nước đối với các mặt hàng hoá được xuất khẩu). Do vậy, để đạt được an ninh nguồn nước, Việt Nam cần phải có những hành động kịp thời để tính đúng, tính đủ giá trị của nước dựa trên nguyên tắc người sử dụng, người hưởng lợi từ nước phải trả phí.

Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò của tài nguyên nước trong nền kinh tế, coi nước là một sản phẩm đầu vào. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phải tính đến giá trị tài nguyên nước đóng góp vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

tai-nguyen-nuoc.png
Ảnh minh họa

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, một trong những điều mà dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hướng đến là xác định rõ vai trò, giá trị kinh tế của tài nguyên nước. Việc sử dụng nước là bình đẳng đối với mọi trường hợp khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ nước nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi cũng hướng đến mở rộng cấp giấy phép tài nguyên nước theo các quy mô đối với những trường hợp khai thác, sử dụng (trên sông, ven sông, hồ chứa,…) ảnh hưởng tới việc thay đổi, thu hẹp dòng chảy nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Tại cuộc họp, Lãnh đạo Cục và các cán bộ tham dự cũng đề nghị phía chuyên gia WB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cách tính phí nước…

Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương, bao gồm:Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước; Điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; Công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; Thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Dự thảo bổ sung quy định về điều hòa, phân phối tài nguyên nước tại Điều 40. Trong đó bổ sung quy định trong trường hợp hạn hán, thiếu nước phải hạn chế điều hòa phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết.

Quy định này nhằm mục tiêu triển khai thực hiện ứng phó, khắc phục khi xảy ra hạn hán thiếu nước, trong đó quy định Bộ Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố kịch bản nguồn nước đầu năm, còn các Bộ ngành khác trên cơ sở Kịch bản đó khi xảy ra hạn hán thiếu nước xây dựng kế hoạch ứng phó khi mà hạn hán. Luật cũng quy định thực tế xảy ra Bộ nào sẽ làm gì.

Chúng tôi muốn cụ thể hóa chủ trương để thực thi ngoài thực địa không bị chồng chéo để giải quyết triệt để tình trạng hạn hán

Chúng tôi bổ sung các đối tượng khi khai thác sử dụng phải có những giải pháp bổ cập nước nguồn nước. Chúng tôi đang nghiên cứu phạm vi cụ thể nhưng chúng tôi hướng tới trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm. Đối với các công trình mới, họ vừa khai thác nước ngầm nhưng vẫn phải bổ cập nước ngầm vào mùa mưa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước