Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM sáng 12/7, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu địa phương làm rõ về những ách tắc đang làm cản trở cho sự phát triển. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt câu hỏi cho việc, vì sao thành phố mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn chậm và chưa đạt yêu cầu.
"Có vẻ cách tiếp cận của chúng ta trong giải quyết ùn tắc giao thông còn chưa trúng. Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này nhưng đến nay, sự chuyển biến còn chậm", ông Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, qua nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, mỗi năm, địa phương này thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Về giải pháp, đơn vị này đã nghiên cứu thực hiện một số đề án nhằm làm giảm phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng. Với 25 nhóm giải pháp đề ra, thành phố hướng tới việc phát huy hiệu quả của các phương tiện vận tải hành khách công cộng vào năm 2025.
Bên cạnh đó, các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đã và đang được triển khai. Khi hoàn thành, các phương tiện đi vào khu vực trung tâm TP sẽ được giảm đi, tình trạng ùn tắc sẽ cải thiện.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết bài toán này, TP đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông. Như các tuyến metro, nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc thì đến năm 2045, hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả.
Để phát triển giao thông cho vùng Đông Nam bộ, ông Mãi cho rằng cần tập trung đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt, trong đó cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng.