Cuộc sống xanh

Mùa hè 2025: Nắng nóng ít gay gắt, bão đổ bộ đất liền

Phúc Minh 21/03/2025 11:27

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay nhiệt độ trung bình trên cả nước dự kiến xấp xỉ mức trung bình nhiều năm. Các khu vực chịu ảnh hưởng nắng nóng chủ yếu là Tây Bắc Bộ và miền Trung, song cường độ không quá khắc nghiệt.

Nắng nóng ít gay gắt, xuất hiện muộn

Từ tháng 4 đến tháng 6, hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính với xác suất 70-80%. Các đợt không khí lạnh giảm dần, kéo theo thời gian xuất hiện nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ chậm hơn so với các năm trước. Vùng Tây Bắc có mức nhiệt cao hơn trung bình 0,5-1 độ C vào tháng 5, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ chỉ bắt đầu nắng nóng từ tháng 4, muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

nang-nong.jpg
Ảnh minh họa

Dù nhiệt độ không quá cao, nhưng người dân vẫn cần cảnh giác với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4 đến tháng 5, bao gồm dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa tăng dần từ tháng 4, lượng nước suy giảm tại các hồ thủy điện
Các tháng tới, mưa sẽ gia tăng trên khắp cả nước. Bắc Bộ dự kiến có mưa chuyển mùa từ tháng 4, lượng mưa tháng 5-6 có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%. Tây Nguyên và Nam Bộ cũng sẽ bước vào mùa mưa với tổng lượng mưa tăng từ 5-15% so với trung bình nhiều năm.

Về tình hình thủy văn, lượng nước tại các hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình dự báo thấp hơn 10-40% so với trung bình nhiều năm. Trên các sông lớn ở Bắc Bộ, dòng chảy giảm từ 20-50%, ảnh hưởng đến việc tích nước cho mùa khô.

Ba cơn bão có khả năng đổ bộ đất liền


Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, ENSO tiếp tục ở pha trung tính, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão. Dự kiến, có khoảng 6 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3 cơn có thể đổ bộ vào đất liền.

Mưa bão sẽ tập trung vào các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ, với lượng mưa tháng 7-9 dao động từ 250-400mm. Khu vực ven biển Tây Nam Bộ cần cảnh giác với tình trạng nước biển dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Năm 2024 ghi nhận 19 đợt nắng nóng, với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5-1,5 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Kỷ lục nhiệt độ cao nhất lịch sử tại Đông Hà (Quảng Trị) vào ngày 28/4 đạt 44 độ C – mức nhiệt cao nhất từ năm 1976 đến nay.

Với những dự báo trên, người dân cần chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết, đặc biệt là các đợt mưa lớn, bão và nguy cơ sạt lở ở khu vực ven biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mùa hè 2025: Nắng nóng ít gay gắt, bão đổ bộ đất liền
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.