Mùa lạnh nên cảnh giác tình trạng méo miệng, liệt mặt

Tú Anh (t/h)|14/09/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp khiến nhiều người đột nhiên bị méo miệng, lệch mặt. Bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh sau một đêm ngủ dậy đột nhiên khi đánh răng, khi ăn cơm thì nước và thức ăn chảy tràn ra ngoài, soi gương phát hiện khuôn mặt bị biến dạng lệch về một bên. Người bệnh cười nói khó, rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng.

Ở một số trường hợp, người bệnh có cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.

Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Đa số các trường hợp mắc bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng. Nếu không sẽ để lại biến chứng và di chứng.

Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt mặt như sau tai nạn, chấn thương (vỡ xương đá, tổn thương não, vết thương hàm mặt, đứt dây thần kinh…), sau bệnh lý (khối u), nhiễm khuẩn, nhiễm virut, bệnh ở não… trong đó hay gặp nhất là sau nhiễm lạnh. Do dây thần kinh số VII chạy nông nhất trên mặt, đi song song với mạch máu vùng tai, nếu gặp lạnh đột ngột sẽ gây co mạch nhanh, máu không nuôi dưỡng được và dây số VII sẽ bị tổn thương. Liệt dây số VII nửa mặt không thể cử động được. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng thời tiết giao mùa, nhất là mùa lạnh sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hơn.

Đối tượng nào dễ mắc?

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh. Ngoài ra, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, phụ nữ có thai, bị bệnh đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, lứa tuổi trung niên và người già,… cũng dễ bị méo miệng. Bệnh cũng hay gặp ở người uống nhiều bia rượu và đi về trong đêm khuya dễ bị lạnh. Mặt khác, lượng cồn trong máu đưa đến não và các cơ quan khác khiến mạch máu co lại (hoặc giãn ra tùy thể trạng mỗi người), làm cơ thể mất nhiều nhiệt, hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh sẽ bị cảm.

Cách điều trị

Khi bị méo miệng, liệt mặt, cần được chữa trị kịp thời và đúng cách, nếu không bệnh có thể để lại di chứng liệt cứng và điều trị rất khó khăn. Khi phát hiện thấy dấu hiệu nghi ngờ như: một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy một bên bị sệ xuống, miệng méo, mắt bên bệnh không thể nhắm kín và có nước mắt chảy ra… cần bình tĩnh xem xét, không nên kết luận ngay mình bị tai biến mạch máu não. Nếu thấy các triệu chứng chỉ có ở mặt thì nên nghĩ tới chứng liệt dây thần kinh mặt.

Tuyệt đối không được cạo gió, nếu những người có bệnh sử mạn tính như tăng huyết áp thì cần cho uống thuốc hạ huyết áp và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não…

Tây y sẽ được điều trị bằng cách dùng kháng sinh để chống viêm và phù nề. Còn Đông y sẽ kết hợp các phương pháp như: điều trị nội khoa, châm cứu, bấm huyệt, điện châm, thủy châm, cấy chỉ catgut vào huyệt, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại nhằm làm ôn ấm các huyệt ở mặt…

Ngoài ra, nhờ sự phát triển của y học – kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã có nhiều phương pháp để điều trị liệt thần kinh mặt như nối ghép các nhánh thần kinh lân cận như nhánh thần kinh lưỡi, sống cổ hay chuyển vi phẫu cơ thon. Và hiện nay phương pháp mới là chuyển dây thần kinh cơ cắn nối với nhánh miệng của dây thần kinh số VII bị liệt. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh nhân liệt mặt méo miệng đến sớm sau liệt trong vòng 24 tháng.

Cùng với các phương pháp trên, người bệnh có thể kết hợp tự tập cơ mặt của mình bằng cách: Tập há mồm, nhai kẹo cao su, giữ ấm cơ thể…

Cách phòng tránh méo miệng, liệt miệng

Méo miệng, liệt mặt thường xảy ra trong mùa đông khi thời tiết đột ngột xuống thấp. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh này, cơ thể cần được bảo vệ khỏi nhiễm lạnh bằng những cách sau:

Tránh ngồi trúng luồng gió, nếu trời lạnh muốn đi ra ngoài cần đeo khẩu trang, khăn ấm.

Tránh tắm quá khuya.

Nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số VII.

Với đối tượng dễ có nguy cơ cao, sáng sớm ngủ dậy, nên nằm trên giường vài phút cho tỉnh táo và quen với môi trường, sau đó mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài môi trường lạnh.

Người bệnh có thể xoa bóp, massage mặt, dùng khăn chườm ấm vào bên mặt bị liệt xoa từ trong ra ngoài giúp kích thích dây thần kinh.

Đề phòng méo miệng, liệt mặt cho trẻ

Phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh sâu, thay đổi đột ngột, đêm ngủ đắp chăn ấm để tránh bị nhiễm lạnh.

Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh.

Khi ra đường, hay đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do virut. Tuyệt đối không tắm khuya cho trẻ…

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa lạnh nên cảnh giác tình trạng méo miệng, liệt mặt