Muôn màu sắc đón Tết Âm lịch ở châu Á

Thanh Thanh|17/02/2018 02:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cũng như Việt Nam,  nhiều quốc gia ở châu Á cũng có các phong tục đặc trưng để chào mừng năm âm lịch.

Người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ

Trung Quốc

Theo tập tục dân gian của Trung Quốc, Tết nguyên đán, hay còn gọi là Xuân Tiết chính thức bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm trước, và kéo dài đến rằm tháng Giêng năm sau, mỗi ngày đều mang một ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, 3 ngày đầu tiên của năm mới là quan trọng nhất.

Người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Người ta viết lên giấy đỏ những lời cầu chúc rồi dán lên cửa, cắt giấy hoa văn thể hiện niềm hy vọng, rồi dán lên cửa sổ, làm một thứ “bánh gói” – ngụ ý gói những điều chúc phúc ở trong đó. Trước ngày Tết, người Trung Quốc cũng làm vệ sinh nhà cửa để “xả xui”.

Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh trong đó có món bánh sủi cảo.

Mùng một, bắt đầu ngay sau Giao thừa, là ngày đón các vị thần. Nhiều người, đặc biệt là các Phật tử, sẽ kiêng ăn thịt và tránh sát sinh. Một số người cũng tin rằng, việc đốt lửa và sử dụng dao vào ngày đầu năm mới sẽ làm họ dông cả năm. Mùng một còn là ngày để con cháu trong nhà bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.

Mùng hai còn gọi là ngày khởi đầu của năm mới. Vào ngày này, những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ trở về nhà thăm bố mẹ đẻ, người thân và bạn bè (theo truyền thống, phụ nữ đã xuất giá sẽ không có nhiều cơ hội trở về nhà thăm bố mẹ thường xuyên).

Mùng 3 là ngày hóa vàng. Vào ngày này, mọi người thường đi chùa để cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và gia đình. Bởi theo quan niệm, đây không phải là một ngày thích hợp để tiếp khách hoặc tới thăm ai đó.

Giống như ở Việt Nam, việc trao phong bao lì xì rất phổ biến vào dịp Tết ở Trung Quốc. Người Trung Quốc thường để tiền lì xì trong các bao màu đỏ vì màu đỏ biểu tượng cho sự thắng lợi và triển vọng. Lời chúc in trên phong bào thường mang nghĩa cầu mong sự sung túc và may mắn trong năm mới.

Suốt dịp Tết, người Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động náo nhiệt để xua đuổi những linh hồn xấu xa và chào đón năm mới, mùa xuân và những điều tốt đẹp.

Thái Lan

Tết của Thái Lan có tên gọi Songkran. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong ngày này, người ta đua nhau té nước vào người khác để chúc may mắn. Ai càng ướt càng nhận được nhiều may mắn.

Ngoài ra, khi chúc Tết người già, lớp trẻ sẽ đổ một ít nước sạch lên lòng bàn tay các cụ già và chúc họ trường thọ. Sau đó, họ sẽ làm nghi thức luồn chỉ cổ tay với người liền kể mình, ngụ ý truyền phúc cho thế hệ kế cận.

Những người lớn tuổi yêu cầu thế hệ trẻ hơn bỏ qua những hành vi và lời nói khó chịu của họ trước đó. Sau đó, họ sẽ buộc những đoạn dây nhỏ vào cổ tay chúng như một phần của nghi lễ cầu nguyện.

Lễ hội năm mới được tổ chức cùng với các cuộc thi sắc đẹp cũng như các cuộc diễu hành. Đặc biệt, người dân Thái Lan còn tham gia vào lễ hội té nước lên nhau bằng xô, chậu, súng bắn nước, bóng bay … Họ quan niệm rằng người bị té nhiều nước nhất là những người may mắn nhất của năm mới.

Nghi lễ Sabae trong dịp Tết của Hàn Quốc

Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal. Theo quan niệm, đây là ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành.

Các gia đình dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà cửa trước ngày 30 Tết. Buổi tối trước giao thừa, tất cả đều tắm gội bằng nước nóng để tẩy trần, tương tự như tục tắm nước lá mùi vào đêm trừ tịch ở Việt Nam.

Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống. Vào những ngày này, người Hàn Quốc thường mặc loại trang phục truyền thống, gọi là Hanbok.

Trong đêm giao thừa, người ta sẽ đốt các thanh tre trong nhà vì vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.

Nghi lễ đầu tiên ngày Tết là Charye, sẽ diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Trên bàn thờ, gia chủ bày biện nhiều món ăn. Sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên.

Tiếp đến là nghi lễ Sebae. Lớp trẻ sẽ tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi, gọi là Sebaedon. Số tiền này đại diện cho lời chúc thành công trong cuộc sống của các bậc bề trên dành cho con cháu.

Sau đó, cả gia đình sẽ quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên và bắt đầu ra đường du xuân.

Những ngày Tết còn là dịp để mọi người thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc như yutnori (1 loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy) hoặc các trò chơi ngoài trời như thả diều, kéo co, bập bênh,…

Mâm cúng của Hàn Quốc khá cầu kỳ, có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là tteok-guk (là một loại phở nước ăn kèm với thịt gà hay bò), mang ý nghĩa là thêm 1 tuổi mới. Ngoài ra còn có cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô, các loại bánh cổ truyền và 1 món ăn không thể thiếu là kimchi…

Người Hàn Quốc cũng thường uống trà vào dịp Tết như trà thơm camip ướp lá cây hồng, trà saenggang ướp gừng, trà kyepicha ướp quế, trà insam trộn với sâm, đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả năm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng.

Singapore

Khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết Âm lịch. Việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này bắt đầu trước đó một vài tuần. Các gia đình sẽ mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa.

Phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó là ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Họ cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.

Những ngày Tết ở Singapore thường tổ chức Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác. Đặc biệt, màn múa lân không thể thiếu trong các lễ hội vào dịp Tết của người Hoa ở Singapore.

Trong dịp Tết, những người đã lập gia đình sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và những đứa trẻ trong gia đình. Tiền mừng tuổi tại Singapore được gọi là “ang pow”. Ngoài những bao lì xì, họ còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.

Tết Âm lịch tại quốc đảo này diễn ra trong 15 ngày, nhưng hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia đình sẽ tới thăm người thân và bạn bè hoặc tham gia những hoạt động thú vị.

Thanh Thanh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muôn màu sắc đón Tết Âm lịch ở châu Á