Mứt Tết – món quà năm mới không bao giờ rơi vào quên lãng

22/01/2020 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – “Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành” là những món không thể thiếu trong ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc. Mứt Tết cũng vậy – hơn cả một món ăn, đó là hồn Việt những ngày Tết đến xuân về và còn mãi với thời gian.

Mứt Tết có nhiều loại, nhiều hương vị khác nhau như mứt quất, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen,… tương ứng với vị chua, cay, mặn, ngọt như chính hương vị cuộc sống mà mỗi người đã trải qua sau một năm làm việc vất vả.

Các loại trái cây, củ quả được chế biến một cách tinh tế trở thành món mứt mang hương vị thiên nhiên, đất trời và là món quà đầy ý nghĩa đối với mỗi gia đình người Việt bao đời nay.
Từng loại mứt mang hương vị, mang ý nghĩa riêng

Mứt quất mang màu vàng thịnh vượng

Khi thưởng thức miếng mứt quất, vị chua chua, ngọt ngọt, the the chạm vào đầu lưỡi đem lại cho bạn một cảm giác ấm nồng trong tiết trời xuân se lạnh. Mứt quất có tác dụng kích thích tiêu hóa, và chữa ho hiệu quả. Màu vàng đặc trưng của mứt quất còn mang ý nghĩa đặc biệt, chúc cho mọi người luôn may mắn, an lành và thịnh vượng trong năm mới.

Mứt dừa thể hiện sự quây quần, sum vầy

Những sợi mứt dừa dai dai, vui miệng, nhiều màu sắc, gợi nhắc mỗi chúng ta về ngày đoàn viên. Mứt dừa không những thơm ngon, ngọt bùi mà còn mang ý nghĩa hướng về sự sum vầy.
Với cách chế biến không quá phức tạp, món mứt dừa ngày nay đã được sản xuất ngày càng phong phú và đa dạng hơn về màu sắc cũng như hương vị, tạo nên sự bắt mắt và thú vị cho người thưởng thức.

Mứt tết – món quà xuân truyền thống không bao giờ bị lãng quên

Mứt bí giàu dinh dưỡng mang ý nghĩa cầu chúc sức khỏe

Bí đao có tính mát, nhiệt lượng thấp, nhiều khoáng chất, là thực phẩm tốt cho da tóc, người muốn giảm cân. Tặng những hộp mứt bí với ý nghĩa chúc nhau dồi dào sức khỏe.

Mứt lạc tượng trưng cho sự trường thọ

Mứt lạc với màu trắng ngần của đường bọc ngoài, bùi bùi của nhân lạc bên trong đem đến hương vị rất thú vị. Ăn lạc có thể giúp bạn bồi bổ sức khỏe tốt. Vì vậy, mứt lạc đã trở thành biểu tượng của sự trường thọ và mang nhiều ý nghĩa đối với cả gia đình.

Mứt gừng có vị cay nồng mang ý nghĩa cho cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc

Tết Nguyên đán thời tiết vẫn lạnh nên mứt gừng được ưa thích bởi hương vị thơm ngon đặc trưng và vị nồng ấm. Mứt gừng là loại mứt rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng làm ấm người, kích thích tiêu hóa, giải độc, chống nôn mửa, chướng bụng do ăn uống không điều độ.
Bên cạnh đó, mứt gừng có màu sắc vàng nhẹ nhàng kết hợp với vị ngọt thanh khiết của đường mang ý nghĩa gia đình đầm ấm, hạnh phúc cả năm.

Mứt hạt sen tượng trưng cho hình ảnh con cháu đầy nhà

Vị thanh mát, bùi bùi của mứt hạt sen đem đến cho người thưởng thức sự thích thú nơi đầu lưỡi. Không chỉ mang hương vị độc đáo, bổ dưỡng mà mứt hạt sen còn có ý nghĩa một năm mới sum vầy.

Thăng trầm nghề mứt Tết truyền thống

Vậy là Tết đã về. Tuần giáp Tết là thời gian bận rộn nhất trong năm khi cả gia đình tập trung dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sửa sang đồ đạc, mua sắm trang phục và chuẩn bị thực phẩm…

Đặc biệt gần đây, nhiều bà mẹ đã quay trở lại thói quen xưa hướng dẫn con gái cách làm một món mứt Tết, nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt mà nhiều năm qua vốn bị lãng quên trong thời buổi kinh tế thị trường. Tết đến với đại bộ phận các gia đình nói chung là khay mứt tết tự làm, chút hạt dưa đỏ, hạt bí trắng, lọ hoa lay ơn, thược dược, violet và cành đào Xuân. Có vậy thôi, Tết đã ấm cúng và ngọt ngào lạ thường!

Đâu đâu, trên bàn nước của các gia đình đều thấy đĩa mứt gừng vàng ươm đượm vị cay nồng; mứt dừa trắng tinh bùi béo thơm ngậy; mứt táo, mứt mận dẻo dim gừng hay mứt bí dao trong veo, ngọt dịu và thơm mát…

Khi nền kinh tế mở cửa, hàng hóa nhập khẩu tràn lan, các sản phẩm bánh, mứt, trái cây ngoại nhập giờ đã quá quen thuộc với mọi gia đình. Khi đi chợ hay mua sắm, các bà, các mẹ đều lựa chọn các mặt hàng được sản xuất công nghiệp, với sự đa dạng về mẫu mã, bao bì và chuẩn hóa về định lượng nguyên liệu, thậm chí như là cách thể hiện sự thích ứng với xu hướng thời cuộc.

Nhiều người còn “tặc lưỡi” làm làm chi, tốn thời gian mà ăn không được nhiều. Công nghiệp hóa là phải giải phóng phụ nữ khỏi bếp núc cùng những giá trị truyền thống. Đương nhiên, suy nghĩ ấy đã khiến bánh mứt truyền thống rơi vào quên lãng và mứt Tết cũng vì thế mà trở nên “nhạt” hơn xưa.

Mỗi loại mứt tết mang theo hương vị và nhiều ý nghĩa về ước vọng tươi đẹp

Cụ Nguyễn Thị Dần (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở, cứ thế này, lâu dần lớp trẻ sẽ chẳng còn nhớ ngày Tết của tổ tiên, ông bà. Từ mâm cơm cúng, bánh trái đến cả mứt Tết… giờ đếm trên đầu ngón tay những món ăn nào được đích thân gia chủ trổ tài “nữ công gia chánh”. Nhắc tới thôi đã thấy nhớ nào chè kho, nào mứt khế, mứt dừa… những hương vị, món ăn “giữ lửa” cho tâm hồn người Việt.

Các làng nghề chuyên sản xuất bánh, mứt truyền thống cho dịp Tết như làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), làng Hoài Đức (Hà Tây – Hà Nội), làng Vị (Hưng Yên), làng Kim Long (Huế)…cũng rơi vào tình trạng đìu hiu, chịu bó tay trước sự “xâm chiếm” thị trường của các sản phẩm bánh, mứt kẹo từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Bà Mai Thị Quế, nghệ nhân làm mứt tại phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, thị trường hiện có quá nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhất là đối với các sản phẩm bánh mứt nói chung và mứt Tết truyền thống nói riêng.

Làng nghề bánh mứt cũng vì thế bị ảnh hưởng. Nhìn vào tình trạng sản xuất, số lượng thuê nhân công lao động, tổng lượng nguyên liệu chuyển về và các đơn hàng mà nhiều cơ sở đang có hiện nay… sẽ thấy rõ thực trạng của làng nghề ra sao.

Những năm trở lại đây, với hiệu ứng đem lại từ các chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương khởi xướng và người dân tẩy chay với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì tín hiệu lạc quan cho thấy, thị trường bánh mứt truyến thống đã có dấu hiệu phục hồi.

Đặc biệt điều đáng mừng là nhiều gia đình đã chủ trương tự làm, tự chế biến những loại bánh mứt mà mình thích để sử dụng hay làm quà biếu. Vậy là thời kỳ bánh mứt handmade được dịp lên ngôi và chúng tôi cũng được dịp thể hiện với cháu, con món nghề mà xa xưa đã được các bà, các mẹ truyền dạy.

Chị Hồ Thị Phương Hoa, cư trú tại đường Giải Phóng (Hà Nội) kể chuyện, các cháu bé trong gia đình tỏ ra ngạc nhiên vì sự khéo tay của mẹ. Mấy bé gái hăng hái phụ giúp từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến công đoạn sên đường, xao mứt và gia công đóng gói. Không khí chuẩn bị cho Tết thật vui và đầm ấm. Có vài mẻ mứt táo, mứt khế mà cả nhà xúm nhau cùng làm, cùng chuẩn bị không khác gì gói bánh chưng.

“Tôi nhận ra rằng, có những điều giản đơn mà vô cùng giá trị trong cuộc sống. Sự hối hả, bộn bề của nhịp sống công nghiệp như nhường chỗ cho những phút giây ấm cúng khi gia đình tôi được ở bên nhau cùng soạn sửa đón Tết”. Tết thật gần và thật vui! Chị Hoa chia sẻ.
Bày tỏ sự băn khoăn để tìm hướng đi đúng, phát triển các làng nghề bánh, mứt thuần Việt, bà Quế chia sẻ: “Chúng tôi cũng phải tự bảo nhau, để tồn tại, duy trì sản xuất, các cơ sở và doanh nghiệp nhỏ lẻ cần thay đổi tư duy, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu phù hợp cũng như phát triển các kỹ năng chế biến sao cho sản xuất ra được những sản phẩm đa dạng về chủng loại; bắt mắt về hình thức, bao bì, nhưng phải đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm và cốt yếu phải giữ gìn được hương vị truyền thống, vốn là hồn là cốt của bánh, mứt Việt Nam do người Việt Nam sáng tạo mà ra”.

Hà Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mứt Tết – món quà năm mới không bao giờ rơi vào quên lãng