Ngày 2/4, sau khi trao đổi và thống nhất với Bộ ngoại giao Na Uy, Hội đồng Nghiên cứu của Na Uy thông báo sẽ tài trợ 100 triệu NOK (9,7 triệu USD) cho một loạt các biện pháp ngăn ngừa COVID-19.
Khoản tài trợ này sẽ được phân bổ cho nhiều nội dung trong đó có nghiên cứu thử nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm xác định tác động của các loại thuốc điều trị COVID-19 đồng thời hỗ trợ cho nghiên cứu các biện pháp ứng phó với COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp.
Một phần của khoản tài trợ nói trên sẽ được dùng cho một nghiên cứu quy mô mà WHO đang thực hiện toàn cầu để đánh giá nhanh tác động của phác đồ điều trị Covid-19 liên quan. Tuần trước, bệnh nhân Na Uy đầu tiên được huy động cho nghiên cứu này đã bắt đầu quá trình điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Oslo.
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Na Uy, Ông Dag-Inge Ulstein nói: “Từ lâu, Na Uy đã có truyền thống tham gia vào các nỗ lực y tế toàn cầu. Khuôn khổ nghiên cứu khoa học có chất lượng cao mà chúng tôi đang có hiện nay cho thấy Na Uy có khả năng tạo ra sự khác biệt. Cuộc chiến chống lại căn bệnh do virus corona gây ra đồng nghĩa với cuộc chiến giành sự sống, bảo vệ sức khỏe và phát triển ở những nước nghèo nhất. WHO đóng một vai trò then chốt trong những nỗ lực này.”
Nghiên cứu này có rất nhiều nước tham gia, trong đó có Na Uy. Các bệnh viện của Na Uy cũng góp phần. WHO là nhà tài trợ chính thức và sẽ được các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho phép tiếp cận nhiều loại thuốc khác nhau có liên quan để đảm bảo các nước tham gia nghiên cứu có đủ thuốc dùng cho nghiên cứu này. Giám đốc Điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Na Uy John-Arne Røttingen là người điều phối nỗ lực phối hợp quốc tế.
Trước đó, ngày 27/3, WHO công bố bắt đầu tiến hành nghiên cứu thử nghiệm toàn cầu với tên gọi Đoàn kết (Solidarity) để tìm ra loại thuốc chữa trị tiềm năng cho Covid-19. Bệnh nhân đầu tiên tham gia đợt thử nghiệm là người Na Uy. Đợt thử nghiệm sẽ được tiến hành tại 22 bệnh viện trên toàn Na Uy, trong đó Bệnh viện Đại học Oslo là cơ sở điều phối chính.
Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới sẽ cùng nhau hợp tác, thu thập dữ liệu để tìm hiểu tác động của những loại thuốc điều trị này tới sức khỏe bệnh nhân, thời gian nằm viện và thời gian chăm sóc tích cực.
>>> Xem thêm: Việt Nam chế tạo thành công robot hỗ trợ y tế
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng trên thế giới, Na Uy đã và đang đóng góp rất tích cực cho hàng loạt các quỹ và sáng kiến toàn cầu với mục tiêu ngăn ngừa và chấm dứt dịch bệnh.
– Tài trợ 210 triệu USD cho hoạt động phát triển vắc xin của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).
– Góp 14,5 triệu USD vào Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19-19 của Liên hiệp quốc
– Ký kết một thỏa thuận hợp tác với các tổ chức nhân đạo của Na Uy và tài trợ mỗi năm 165 triệu USD để thực hiện các hoạt động nhân đạo và cứu trợ bao gồm cả đối phó với COVID-19-19
– Cử một đội ngũ y bác sĩ sang Ý để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19
Ngọc Linh (t/h)