Theo nghiên cứu mới, khi nhiệt độ thế giới tăng thêm 2 độ C, nguy cơ giai đoạn nắng nóng kéo dài hơn 2 tuần sẽ tăng 4% so với hiện nay, thậm chí là còn lâu hơn tại phía Đông của Bắc Mỹ, Trung Âu và Bắc Á.
Nguy cơ khô hạn kéo dài hơn 14 ngày nhiều khả năng sẽ tăng 10% tại miền Trung của Bắc Mỹ, trong khi các đợt mưa lớn kéo dài sẽ tăng hơn 25% trên khắp những khu vực có nhiệt độ ôn hòa ở phía Bắc.
Tất cả những tác động này sẽ xảy ra trong bối cảnh mưa, nắng nóng và hạn hán có cường độ ngày càng mạnh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xuất hiện ngày càng thường xuyên trên địa cầu.
Một gia đình người Thái đến cầu nguyện bên tượng Phật mất đầu. Tượng này trồi lên từ đáy sông do hạn hán làm nước khô cạn ở Lopburi, Thái Lan. Ảnh do Soe Zeya Tun chụp ngày 1-8-2019. Gần cuối tháng 11-2019, Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan có thể sẽ xảy ra tại các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong cho tới tháng 1-2020, trong đó Thái Lan và Campuchia bị hạn nghiêm trọng nhất. Phân tích sơ bộ dữ liệu của MRC cho thấy nguyên nhân dẫn đến đợt hạn này là do lượng mưa thấp trong mùa mưa, cùng với việc mưa gió mùa bắt đầu muộn và kết thúc sớm và do hiện tượng El Nino đã làm nhiệt độ cao bất thường và nước bốc hơi với lượng lớn.
Những căn nhà tan nát sau bão Kenneth quét qua một ngôi làng ở phía bắc TP Pemba, Mozambique. Ảnh do Mike Hutchings chụp ngày 1-5-2019. Với việc nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ngày càng mạnh hơn. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào giữa tháng 8, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tính toán xem các hiện tượng như vậy sẽ kéo dài bao lâu nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C nữa. Các mô hình thời tiết cho thấy sự suy yếu một cách có hệ thống của hoàn lưu khí quyển trong mùa Hè, trong đó có gió xoáy và vùng bão, khi Trái Đất ấm lên. Khi hoàn lưu bị chậm lại, các điều kiện nóng và khô hạn sẽ tích tụ trên các lục địa. Cùng lúc này, các cơn bão sẽ tập trung lâu hơn tại một điểm.
Trong khi đó siêu bão Dorian cũng gây bao cảnh tan hoang ở Bahamas. Như ảnh chụp của Marco Bello ở ngoại ô Mudd, thuộc đảo Abaco, Bahamas, vào ngày 6-9-2019. Tại Mỹ, 12 tháng vừa qua là quãng thời gian ẩm ướt nhất trong lịch sử khi khu vực miền Trung hứng chịu mưa lớn và nhiều vùng đất nông nghiệp chìm trong nước lũ. Từ những cơn lốc xoáy vùng cực hung bạo khiến hầu hết các khu vực ở miền Trung Tây và vùng duyên hải phía Đông rơi vào tình trạng băng giá cho tới cơn bão “tử thần” Dorian khiến hàng chục người ở Bahamas thiệt mạng hồi tháng 9 vừa qua đều chỉ ra thực tế rằng năm 2019 là năm mà nước Mỹ liên tiếp phải hứng chịu những hình thái thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Mây tích tụ như thế nhưng không tạo ra được mưa, trong khi đó đáy của hồ nước khô cạn nứt nẻ như cánh đồng gặp hạn ở Graaff-Reinet, Nam Phi. Ảnh do Mike Hutchings chụp ngày 14-11-2019. Năm nay, hạn hán tại khu vực miền Nam châu Phi được ghi nhận là nghiêm trọng nhất trong gần 40 năm qua. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Angola, Namibia, Botswana, Zambia và Zimbabwe. Lượng mưa thấp kỷ lục trong mùa vụ từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019 đã thu hẹp đáng kể diện tích trồng trọt, kìm hãm quá trình nẩy mầm và sinh trưởng của các loại cây nông nghiệp.
Mặt trời rực rỡ trên hồ Pamamaroo, ở bên ngoài Menindee, Úc, trong ảnh chụp ngày 2-9-2019. Nhưng cần lưu ý rằng hồ này đã cạn khô. Ảnh do Tracey Nearmy chụp. Ngày 7-11, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo chính phủ nước này sẽ cấp thêm 1 tỉ đô la Australia (AUD – tương đương 680.000 USD) dưới hình thức cho vay ưu đãi để hỗ trợ những người nông dân và cộng đồng nông thôn đang gặp khó khăn do hạn hán. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tháng Chính quyền Canberra phải gia hạn chương trình cứu trợ nông nghiệp, có tên gọi là Chương trình Cộng đồng hạn hán.
Ánh nắng phản chiếu tuyệt đẹp trên một tảng băng trôi gần Tasiilaq, Greenland. Ảnh do Lucas Jackson chụp ngày 16-6-2018. Hàng tỉ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực đang đổ về các đại dương có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan hơn, gây xáo trộn khí hậu Trái Đất trong nhiều thập kỷ tới. Lời cảnh báo trên được nêu ra trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 6-2. Theo nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Cực của Đại học Victoria (New Zealand), không chỉ gây cản trở dòng chảy đại dương, nước băng tan còn làm thay đổi nhiệt độ trên thế giới. Ngoài ra, việc khối lượng lớn tảng băng bị mất đi tại Nam Cực còn kìm hãm nước biển ấm ở dưới bề mặt biển, làm xói mòn sông băng và điều này khiến mực nước biển dâng.
Con chim cánh cụt đứng lẻ loi trên tảng băng trôi ở Vịnh Yankee, Nam Cực. Ảnh do Alexandre Meneghini chụp ngày 18-2-2019. Nếu tất cả các tảng băng tại Greenland và Nam Cực, vốn có độ dày lên tới 3km và chứa tới 75% lượng nước sạch của hành tinh, đều tan chảy, mực nước tại hai khu vực này lần lượt dâng lên 7m và 58m. Ngoài ra, còn những khu vực dễ bị tổn thương do tình trạng ấm lên toàn cầu như là Tây Nam Cực hay các sông băng lớn ở Đông Nam Cực.
Các thành viên tổ chức Hòa bình xanh Greenpeace biểu tình trước Dinh Thủ tướng Đức ở Berlin ngày 2-12-2019. Họ đòi hỏi chính quyền phải có phương thức làm nông nghiệp bảo vệ khí hậu địa cầu. Trên tấm biểu ngữ của họ ghi dòng chữ: “Nếu bà Merkel (Thủ tướng Đức) tiếp tục như thế, khí hậu sẽ trở nên tê hại hơn”. Ảnh do Hannibal Hanschke, hãng tin Reuters chụp.
Huyền Trang (T/h)