Năm thứ hai liên tiếp GDP tăng trưởng trên 7%, nhưng càng về cuối năm, những dấu hiệu khó khăn càng lộ rõ. Kinh tế Việt Nam tăng 7,02% trong năm 2019, vượt xa dự báo của các tổ chức quốc tế, như ADB tính toán 6,9%, World Bank 6,8%… Tuy nhiên, kết quả tích cực này không đồng nghĩa với sự cam kết chắc chắn cho năm sau, bởi những thách thức xuất hiện ngày một rõ hơn.
Đầu tiên là sự chậm lại với ngành công nghiệp chế biến – chế tạo. Là nhóm ngành then chốt quyết định đà tăng trưởng những năm gần đây của nền kinh tế, nhưng càng về cuối năm, tốc độ tăng của lĩnh vực này càng có dấu hiệu suy giảm, kéo theo sự chậm lại của khu vực công nghiệp và xây dựng.
Ảnh minh họa
Ðể giữ vững thành quả phát triển kinh tế đầy ấn tượng và tăng trưởng ở mức cao cũng như đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội ngày càng bền vững, Chính phủ cần tiếp tục điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
Về lâu dài, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam cần đảm bảo tính bền vững, bao trùm trong phát triển kinh tế, chú trọng đến chất lượng hơn là tốc độ tăng trưởng.
Trước hết, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh các cải cách tái cơ cấu quan trọng, bao gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bên cạnh những cải cách quan trọng trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Thứ hai, cần giải quyết tính lưỡng cực của nền kinh tế, đặc biệt đối với ngành sản xuất – chế biến, chế tạo, lĩnh vực đang bị chi phối bới các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực còn có liên kết yếu hoặc không có mối liên kết nào với các doanh nghiệp trong nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại hóa nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phát triển nông nghiệp dựa nhiều vào các nguồn lực tự nhiên.
Thứ ba, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó tăng trưởng cần được dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, thay vì các yếu tố sẵn có như lao động và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Việt Nam cần thúc đẩy phát triển hệ thống quốc gia về đổi mới sáng tạo để có thể áp dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế.
Cuối cùng, Việt Nam cũng cần giải quyết những thách thức phát sinh về biến đổi khí hậu, vấn đề nhân khẩu học và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng xã hội.
Năm 2020, năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đang mở ra với nhiều kỳ vọng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Cùng với các đối tác phát triển, Ngân hàng Phát triển châu Á luôn sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm trong năm 2020, tạo nền tảng vững chắc cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo.
Minh Anh (t/h)