Năm 2022: Diện tích rừng ở nhiều nước Châu Âu bị "thiêu rụi" nghiêm trọng hơn cả năm 2021

Khôi Nguyên|24/07/2022 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 21/7, Hệ thống giám sát cháy rừng của châu Âu (EFFIS) cho biết các đám cháy rừng bùng phát khắp châu Âu trong những tuần gần đây đã thiêu rụi một diện tích đất rừng rộng lớn. Tình trạng này được đánh giá nghiêm trọng hơn cả năm 2021.

Theo EFFIS, tính từ đầu năm đến ngày 16/7, các đám cháy đã thiêu rụi 517.881ha rừng - tương đương hơn 5.000km2 hoặc diện tích bề mặt của Trinidad và Tobago.

Trong cả năm 2021, ước tính có 470.359ha rừng (4.700km2) bị "giặc lửa" thiêu rụi, chủ yếu ở Italy và Hy Lạp.

EFFIS cho biết châu Âu có thể kết thúc năm 2022 với diện tích rừng bị thiêu rụi nhiều hơn năm 2017, hiện là năm ghi nhận tình trạng cháy rừng tồi tệ nhất với gần 1.000.000ha rừng (10.000km2) bị tàn phá.

chay-rung.jpg
Lính cứu hỏa tìm cách dập tắt đám cháy rừng ở tây nam nước Pháp ngày 16/7 (Ảnh: AP).

Trao đổi với báo giới, ông Jesus San Miguel, điều phối viên của EFFIS, cho biết: "Tình hình tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến, ngay cả khi chúng tôi đã dự đoán sự bất thường về nhiệt độ với các dự báo dài hạn của mình. Chúng tôi dự đoán điều tồi tệ hơn sẽ đến..." Ông cho rằng những đợt nắng nóng kéo theo cháy rừng rõ ràng có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Năm 2022 đã chứng kiến những trận hỏa hoạ hoành hành khắp Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Anh trong bối cảnh đợt nắng nóng khắc nghiệt bao trùm nhiều nước châu Âu.

Từ đầu năm tới nay, gần 40.000ha rừng ở Pháp đã bị thiêu rụi, nhiều hơn 10.000ha so với năm 2021.

Tại Tây Ban Nha - nơi có hơn 500 người tử vong trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày trong tháng này - đã ghi nhận 190.000ha rừng bị thiêu rụi trong năm nay, so với 85.000ha của năm ngoái.

Với nhiệt độ tăng cao hơn do sự ấm lên toàn cầu, những khu vực vốn ít khi ghi nhận cháy rừng cũng đã bị ảnh hưởng trong năm nay, đặc biệt là Anh.

Xứ sở Sương mù đã chứng kiến hơn 20.000ha rừng bị thiêu rụi tính từ đầu năm tới nay, trong khi con số này của năm 2021 là 6.000ha

Mark Parrington, nhà khoa học trưởng tại Cơ quan theo dõi khí quyển Copernicus của EU, nhận định biến đổi khí hậu đã góp phần khiến các đám cháy rừng kéo dài hơn. Theo chuyên gia này, cách các đám cháy hoành hành hiện nay là điều không thường xảy ra ở châu Âu. Nhiệt độ cao hơn kết hợp với những điều kiện khô hạn chưa từng thấy trên hầu khắp châu Âu khiến các khu rừng dễ bén lửa hơn và lửa lan nhanh hơn nếu đám cháy bùng phát. Nguy cơ cháy rừng có xu hướng tăng ở cả Trung và Nam Âu.

Ngoài ra, không chỉ phá hủy các hệ sinh thái, xóa sổ những thảm thực vật vốn có chức năng hấp thụ khí thải carbon, các đám cháy rừng cũng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu khi từ những đám cháy này cũng phát ra những khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2. Theo báo cáo của Copernicus công bố trong tuần này, các đám cháy rừng xảy ra tại Tây Ban Nha và Maroc trong tháng 6 và tháng 7 đã thải 1,3 tỷ tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, mức cao nhất ghi nhận được trong giai đoạn tương tự tính từ năm 2003 khi các dữ liệu bắt đầu được ghi nhận.

Các đám cháy còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí của các cộng đồng cư dân lân cận. Tại miền Tây Nam nước Pháp, nồng độ NO2 ghi nhận trong không khí ở thành phố Bordeaux, gần 2 đám cháy lớn trong khu vực, liên tục tăng trong nhiều ngày. Tình trạng này thậm chí còn được ghi nhận ở thủ đô Paris cách các đám cháy tới 500 km về phía Đông Bắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022: Diện tích rừng ở nhiều nước Châu Âu bị "thiêu rụi" nghiêm trọng hơn cả năm 2021