Tính đến nay, 2016 vẫn là năm nóng nhất từng ghi nhận. Đó cũng là lần gần nhất thế giới trải qua kiểu thời tiết El Nino, kết hợp với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, báo cáo từ các tổ chức uy tín trên thế giới đang cho rằng năm 2023 đang dần tiến đến cột mốc này, và thậm chí có thể vượt qua, để trở thành năm nóng nhất.
Theo PGS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại Việt Nam, trong điều kiện El Nino, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn.
Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7-9). Trong khi đó, ở điều kiện La Nina, trung bình mỗi tháng có 0,80 cơn, nhiều hơn trung bình các năm khoảng 38%, xoáy thuận nhiệt đới thường nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão (tháng 9-11).
Trong điều kiện El Nino, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn bình thường. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường. Đồng thời, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc.
Ngược lại, trong điều kiện La Nina, nhiệt độ trung bình các tháng thấp hơn bình thường, ở phía Bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Nam. El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trên hầu hết các vùng của cả nước, phổ biến từ 25-50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ) dẫn đến nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt.
Tuy vậy, El Nino cũng khiến lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ. Ví dụ như trận mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7/2015 tại Quảng Ninh là vào lúc El Nino; đợt lũ lịch sử vào cuối tháng 9/2009 sau cơn bão số 9 (Ketsana) tại các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi… Điều này cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Theo PGS Mai Văn Khiêm, căn cứ trên bộ số liệu quan trắc nhiệt độ nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Thông tin này cũng được NOAA xác nhận ngày 8/6/2023 khi nhiệt độ nước biển đo được đã cao hơn so với giá trị trung bình là 0,5oC (ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino). Dự báo El Nino sẽ gia tăng dần về cường độ vào các tháng mùa đông năm 2023-2024.
Dựa trên các thống kê khí hậu, có thể nhận định một số tác động trong thời gian tới đối với Việt Nam:
Bão và áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện không nhiều, tập trung vào giữa mùa, nhưng diễn biến phức tạp, trái quy luật. Các đợt gió mùa đông bắc ít hơn bình thường, mùa đông kết thúc sớm, nhiệt độ trung bình các tháng có thể cao hơn trung bình, nắng nóng có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022. Lượng mưa có thể ít hơn so với trung bình từ 25-50% đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, tuy nhiên có thể xuất hiện mưa lớn cực đoan.
Việt Nam cần đề phòng điều kiện ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Những đợt hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn vào năm 2015-2016 và 2019-2020 ở nhiều nơi trên cả nước do ảnh hưởng của El Nino nhắc Việt Nam chủ động có giải pháp giảm nhẹ tác động của El Nino.
Một điểm đáng lưu ý và đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu đó là tác động kép của El Nino và biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu. Chúng ta vừa trải qua 8 năm nóng nhất được ghi nhận theo số liệu lịch sử. Sự phát triển của El Nino năm 2023 cùng với sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu rất có thể dẫn đến một đợt nóng toàn cầu mới và có khả năng phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ xác lập năm 2016. Những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của những tác động này.