Các quốc gia Đông Nam Á ứng phó với El Nino

Nguyên Lâm|24/06/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

El Nino chính thức quay trở lại, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó trước hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Mới đây (ngày 17/5), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu, có thể "đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy". Theo kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth công bố trên Science, nếu dự báo của WMO chính xác, El Nino xuất hiện trong năm nay sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 3.000 tỷ USD tính đến năm 2029, so với kịch bản không có El Nino.

El Nino thường quay trở lại sau mỗi chu kỳ 2-7 năm, hiện tượng thời tiết cực đoan này dự kiến phát triển mạnh vào khoảng giữa tháng 5-7 năm nay. El Nino khiến cho tình trạng lũ lụt xảy ra nghiêm trọng hơn ở một số nơi, trong khi khu vực khác lại hứng chịu hạn hán gay gắt. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Dartmouth phát hiện ra rằng, El Nino có xu hướng kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong nhiều năm sau khi hiện tượng này qua đi. Họ đã phân tích thiệt hại do El Nino xảy ra ở giai đoạn 1982-1983 và phát hiện nó khiến cho toàn cầu mất đi 4.100 tỷ USD trong vòng 5 năm. Tương tự, lần El Nino quay lại vào năm 1997-1998 thổi bay 5.700 tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu.

el-nino.jpg
Philippines chuẩn bị cho khả năng thiếu gạo do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Ảnh: Philstar

Đã có những tín hiệu cho thấy El Nino tiếp theo có thể rất dữ dội. Sự kiện này chỉ là một phần của mô hình khí hậu định kỳ bao gồm hiện tượng La Nina lạnh hơn, xuất hiện xen kẽ. Ngoài ra, El Nino làm thay đổi dòng hải lưu ấm ở Thái Bình Dương và nhiệt độ bề mặt nước biển đạt mức cao kỷ lục. Việc hội tụ những yếu tố thuận lợi tạo điều kiến cho một đợt El Nino cực lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trong hơn nữa. Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng, nếu đợt El Nino này xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn, làm giảm sự tăng trưởng tại các quốc gia nhiệt đới trong vòng một thập kỷ.

Trước các mối lo ngại này nhiều quốc gia Đông Nam Á đã lên biện pháp ứng phó. Cơ quan Khí tượng Philippines tuyên bố El Nino bắt đầu vào tuần tới tại quốc gia này và người dân nên chuẩn bị ứng phó. El Nino có thể gây ra tình trạng hạn hán và khô hạn nghiêm trọng tại một số khu vực của Philippines, trong khi mưa lớn có thể diễn ra ở vùng phía Tây đất nước, gây tình trạng lụt lội nghiêm trọng.

Kể từ ngày 14 tháng 5, Cơ quan Quản lý dịch vụ thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA) ghi nhận các khu vực có chỉ số nhiệt “nguy hiểm” dao động từ 42 đến 47 độ C. Để đảm bảo rằng tất cả các biện pháp đã được xem xét và tối đa hóa, chính phủ Philippines thành lập Nhóm đặc nhiệm El Nino, với nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch phục hồi và chuẩn bị ứng phó thiên tai toàn diện.

Bộ Nông Nghiệp Philippines cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với nguồn cung gạo của đất nước. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, El Nino có khả năng tăng cường vào quý III/2023 và kéo dài đến năm 2024. Philippines cần có lượng gạo tồn kho dự trữ ít nhất là 52 ngày. Nếu tình trạng nguồn cung gạo thiếu hụt, Philippines có thể phải nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Philippines khuyến khích nông dân trồng các giống cây có khả năng chống nóng; giải quyết tình trạng rò rỉ trong hệ thống thủy lợi để tránh lãng phí nguồn cung cấp nước hay lựa chọn cuối cùng, tốn kém hơn, đó là làm mưa nhân tạo để cung cấp nước cho các hệ thống tưới tiêu.

Trong khi đó, theo báo SCMP, nhằm đối phó sớm với El Nino, Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều chiến dịch "gieo" mây tạo mưa nhằm đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia ngày 12-6 đã triển khai chiến dịch "gieo" mây tạo mưa trong vòng 2 ngày tại vùng phía bắc bán đảo Malay, điều chỉnh khả năng gây mưa bằng cách thêm vào các đám mây các hạt nhỏ giống như băng. Việc "gieo" mây tạo mưa sẽ giúp giảm thiểu mức độ rút nước của hai con đập quan trọng tại bang Penang, khu vực trọng yếu của ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Malaysia. Ngành này có mức tiêu thụ nước rất lớn.

Để tránh lặp lại tình trạng hạn hán cũng như cháy rừng do El Nino gây ra hồi năm 2016, chính phủ Indonesia yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương sớm bắt tay vào chuẩn bị và xem xét tất cả các biện pháp để không tái diễn các vấn đề cách đây 8 năm. Theo Bộ Thương mại Indonesia, cần chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino và dự trữ gạo cho người dân không được hạn chế. Indonesia gần đây đã tăng cường các thỏa thuận nhập khẩu gạo dự trữ. Để lường trước hạn hán, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đã phân phát 4 tấn giống lúa ưu việt mới, có thể thích ứng với hạn hán cho nông dân.

Tại Việt Nam, để ứng phó với El Nino, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có Công văn báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.

Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện gần đây.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện ứng phó cụ thể, trong đó tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, với khả năng cao xuất hiện của El Nino thì chúng ta cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt là đối với vụ hè thu ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hay các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023. Các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino.

Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì chúng ta cũng không được mất cảnh giác với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia Đông Nam Á ứng phó với El Nino