Hơn 10 năm trước, khi nhiệt độ tháng 7 tăng cao kỷ lục, James Lovelock đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng, 80% sự sống con người trên Trái đất sẽ bị diệt vong vào năm 2100. Nguyên nhân là bởi sự biến đổi khí hậu.
Bức ảnh chụp James Lovelock vào tháng 9 năm 2016
Là một nhà khoa học, cuộc đời Lovelock gắn với những phát kiến. Ông đã phát minh ra máy dò bắt electron (ECD), có thể tìm kiếm các dấu hiệu ô nhiễm trong vài phút, chẳng hạn như thuốc trừ sâu. Điều đó trở thành nguồn cảm hứng để Rachel Carson viết cuốn sách “Mùa xuân im lặng” năm 1962.
Ở tuổi 100, trí tưởng tượng của Lovelock vẫn vô cùng phong phú. Trong cuốn sách mới của ông – “Novacene: The Age of Hyperintellect” – có viết, 300.000 năm thống trị của loài người trên Trái Đất sắp kết thúc. Và con người sẽ phải chịu số phận tồi tệ: chỉ có thể sinh tồn tại Bắc cực, trở thành “thú tiêu khiển” của những người máy có khả năng suy nghĩ nhanh gấp 10 lần con người. Đến lúc đó, con người được giữ lại chỉ nhằm mục đích đảm bảo nhiệt độ có thể sống sót cho những trí tuệ thông minh này.
Ý tưởng về Novacene của ông manh nha từ năm 1970, khi đang làm cố vấn cho Nasa, ông cho rằng hành tinh này là một siêu sinh vật. Ngoài ra, một số phát minh của ông đã được Nasa áp dụng trong chương trình thám hiểm hành tinh của họ. Năm 1974, ông và nhà sinh vật học Lynn Margulis đề xuất Giả thuyết Gaia, cho rằng, Trái đất là một sinh vật đang tồn tại theo một cách nào đó.
Trong cuốn “The Revenge of Gaia”, Lovelock lập luận rằng, vì con người đã khai thác Trái đất quá mức, nên “quý bà” muốn loại bỏ chúng ta, trừ khi chúng ta đối xử lại bằng sự tôn kính hơn. Đó là lý do tại sao thời đại Novacene bắt đầu, Lovelock lý giải, bởi vì những siêu trí tuệ sẽ nhận ra rằng tất cả các sự sống sẽ bị hủy diệt bởi khủng hoảng khí hậu và có hành động với Gaia để duy trì sự sống.
Còn đối với Seth Shostak, một nhà thiên văn cao cấp cho rằng thế kỷ 21 có thể là thời gian cuối cùng con người tồn tại như một loài thống trị Trái đất.