Theo quy chuẩn Bộ Y tế, nếu mức mặn trong nguồn nước thô vượt quá 250mg/l thì các nhà máy xử lý nước buộc phải dừng lấy nước để cung cấp cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung, tổ trưởng tổ kiểm nghiệm Tân Hiệp thuộc phòng quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, kiểm tra chất lượng nước – Ảnh: Lê Phan
Ông Trần Duy Khang, giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày), cho biết trong mùa khô năm 2015-2016, Nhà máy nước Tân Hiệp từng phải tạm ngưng lấy nước thô nhiều lần do độ mặn vượt quy chuẩn cho phép.
“Nhận định mùa khô năm nay, tình hình mặn diễn biến có thể đạt mức như giai đoạn 2015-2016, ngành cấp nước TP.HCM đã chủ động làm việc với các đơn vị quản lý nước đầu nguồn là hồ Dầu Tiếng và Trị An. Trong trường hợp mặn lên cao, các đơn vị xả nước đầu nguồn để rửa mặn, đảm bảo nguồn nước cấp”, ông Khang cho biết.
Một chuyên gia về môi trường nhận định so với sông Sài Gòn, lưu vực sông Đồng Nai có mức độ ô nhiễm thấp hơn nhưng cũng đang có xu hướng gia tăng bởi hoạt động vận tải tàu thuyền và khai thác thủy hải sản, khai thác cát trái phép.
Tại khu vực cầu Hóa An (vị trí khai thác nước thô của các nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Thủ Đức 3), độ mặn cũng tăng gây ra nhiều khó khăn cho vận hành, sản xuất.
Theo TTO