Ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết trung bình hằng năm, khu vực Nam Bộ và TP.HCM thường bắt đầu mùa mưa vào khoảng ngày 10 đến 15-5. Năm nay, do tác động của La Nina, mùa mưa được dự báo đến từ đầu tháng 5, thậm chí là cuối tháng 4.
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 6, thời tiết phổ biến trên toàn khu vực miền Nam sẽ là ban ngày trời nắng (nhiệt độ 23 – 24 độ C, thấp nhất 20 độ C), sáng sớm có một số ngày trời se lạnh; chiều tối xuất hiện mưa to.
Mưa to có khả năng gây ngập, tạo ra dòng chảy xiết trên đường khiến người dân không chỉ bị hạn chế tầm nhìn mà còn dễ xảy ra tai nạn nếu bị trượt hoặc nước cuốn, nên cần lưu ý khi lưu thông.
Đến khoảng tháng 8, khi tác động của La Nina giảm, thời tiết quay lại trạng thái trung tính, mây đối lưu phát triển mạnh mẽ sẽ hình thành dông lốc, gió giật. Ông Lê Đình Quyết khuyến cáo người dân khi thấy có hiện tượng sấm sét, dông lốc cần tìm ngay nơi trú ẩn an toàn.
Theo ông Quyết, việc mùa mưa đến sớm là tình trạng khá phổ biến và đã diễn ra nhiều lần trong thập kỷ qua, nhưng hiếm khi đến sớm hơn nhiều tuần như năm nay.
Trước đó, từ đầu tháng 4, mưa đã xuất hiện liên tục tại các tỉnh Nam Bộ trên diện rộng trong nhiều ngày. Tuy lúc đầu được nhận định đây chỉ là những cơn mưa chuyển mùa do các nhiễu động trong gió tây nam và sẽ sớm kết thúc để nhường chỗ cho thời tiết hanh khô trở lại, nhưng khi các trận mưa trở nên dày đặc hơn và nhiệt độ toàn vùng có chiều hướng giảm, các chuyên gia đã liên hệ đến diễn biến La Nina là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Điều này cho thấy tác động của hiện tượng La Nina trong lần trở lại Việt Nam sau một thập kỷ “vắng bóng” tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng rất khó lường, cần có những giải pháp ứng phó sớm để bảo vệ an toàn về người và tài sản trong tình huống xảy ra thiên tai hoặc thời tiết cực đoan.
Năm nay, do tác động của La Nina, mùa mưa được dự báo sẽ đến từ đầu tháng 5, thậm chí là cuối tháng 4. Ảnh minh họa
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận định mùa mưa đến sớm giúp TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam trải qua một mùa hè “dễ chịu” nhất trong nhiều năm qua, với mức nhiệt trung bình giảm từ 38 – 39 độ C vào đầu tháng 3 xuống khoảng 36 – 37 độ C, thấp nhất 35 độ C trong những ngày qua và dự kiến duy trì mức nhiệt này đến hết tháng 4.
Chỉ số tia UV tiềm năng theo ngày tại TP.HCM cũng đang giảm nhiều so với những ngày trước, từ ngưỡng 10 – 11 xuống dưới 10. Không khí tại thành phố trở nên trong lành hơn so với những ngày nắng nóng, với chỉ số quan trắc không khí đo được là khoảng 80 đơn vị, ở ngưỡng trung bình.
Tuy nhiên, dưới tác động của hiện tượng La Nina, mùa mưa tại miền Nam đến sớm nhưng cũng có khả năng sẽ ngắn hơn mọi năm; lượng mưa cả năm được dự báo sẽ thiếu hụt so với trung bình các năm trước.
Từ tháng 5 đến tháng 10, những cơn mưa lớn diện rộng với quy mô toàn vùng sẽ có khoảng 7 – 8 đợt, có nghĩa là trung bình mỗi tháng sẽ chỉ có 1 – 2 đợt mưa lớn. Do đó, các tỉnh phía Nam cần có biện pháp tích nước ngọt ngay từ bây giờ để ứng phó xâm nhập mặn, đề phòng nguy cơ mất mùa, hạn hán.
Ngoài ra, bà Lan đánh giá thời điểm cuối tháng 4 rất đáng lưu ý vì đây là giai đoạn chuyển mùa ở cả miền Bắc và miền Nam. Thời kỳ này, không khí lạnh đang hoạt động mạnh ở phía Bắc, trong khi tại miền Nam vẫn xuất hiện nắng nóng xen kẽ mưa. Do đó, khi không khí lạnh từ miền Bắc tràn về, một số nơi tại miền Nam có khả năng xuất hiện mưa đá trong đất liền và sóng lớn, dông lốc ngoài biển, người dân cần đề phòng.
Thùy Trang