Giáo hoàng Francis kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên coi tình trạng phá rừng nhanh đáng báo động và suy thoái đa dạng sinh học là vấn nạn của mỗi quốc gia, bởi thực trạng này đang đe dọa tương lai của toàn bộ hành tinh.
Lời kêu gọi trên được Giáo hoàng Francis đưa ra trong chuyến thăm tới Madagascar, đảo quốc lớn thứ 4 trên thế giới đã để mất khoảng 44% diện tích rừng trong 60 năm qua do nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Rừng bị tàn phá đe dọa đến đa dạng sinh học và tương lai toàn cầu
Theo ước tính của tổ chức bảo vệ môi trường TRAFFIC, ít nhất 1 triệu khúc gỗ hồng đã được xuất khẩu trái phép tại Madagascar kể từ năm 2010.
Phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Madagascar ngày 7/9, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ gây tổn hại tới tương lai của Madagascar và Trái Đất – ngôi nhà chung của nhân loại.
Giáo hoàng kêu gọi tăng cường tạo việc làm để chặt phá rừng trái phép không còn là kế sinh nhai của một bộ phận lao động phổ thông thất nghiệp.
Giáo hoàng Francis đồng thời hối thúc Chính phủ Madagascar đấu tranh với tất cả các hình thức tham nhũng và đầu cơ vốn là nguyên nhân làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tốc độ biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Giáo hoàng Francis càng trở nên bức thiết khi rừng Amazon đang bị “giặc lửa” hủy hoại trên diện rộng tại Brazil.
Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bác bỏ những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế về chính sách mở rộng đất canh tác của mình, cho rằng đây là vấn đề nội bộ của nước này.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại nhiều nơi trong rừng Amazon, gây ảnh hưởng tới khu vực được coi là “lá phổi xanh của hành tinh,” cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất.
Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Brazil công bố ngày 6/9 cho thấy trong tháng Tám vừa qua, tình trạng phá rừng nhiệt đới Amazon tại nước này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, qua đó gia tăng thêm những mối lo ngại về các đám cháy đang tàn phá khu vực này.
Theo nhà nghiên cứu Ana Paula Aguiar tại Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), hoạt động phá rừng thường được nối tiếp bằng việc đốt rừng để giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ trồng trọt hoặc canh tác.
Do đó, tình trạng phá rừng của tháng Tám có thể báo hiệu sẽ còn nhiều đám cháy xảy ra ở Amazon trong thời gian tới.
Phương Anh (T/h)