Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Lan Linh (T/h)|24/09/2018 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa tổ chức cuộc họp để rà soát các nhiệm vụ phòng chống thiên tai cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

>>>Cảnh báo: Lũ trên sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp

>>>Cuối tháng 9, gió mùa đông bắc tràn về

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vừa qua, tại Hội nghị PCTT khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2018, các thành viên cho rằng, công tác phòng chống thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên còn một số tồn tại. Nhận thức của một bộ phận chính quyền và người dân còn chủ quan, hạn chế về hiểu biết dẫn đến thiệt hại nặng nề do bão, lũ (đã từng xảy ra với cơn bão số 12 – Damrey năm 2017, gây thiệt hại lớn ở Nam Trung bộ); chưa nắm vững các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau khi bị thiệt hại do thiên tai, chậm phục hồi sản xuất, có nơi xảy ra khiếu kiện, không có thống kê ban đầu, đặc biệt về thủy sản; còn thiếu thông tin, hiểu biết về hồ chứa, điều hành hồ chứa dẫn đến hiểu chưa đúng, cho rằng hồ xả gây lũ ở hạ du.

Xây dựng phương án ứng phó thiên tai chưa sát với thực tế, dẫn đến bị động khi triển khai trong tình huống thiên tai (số liệu về sơ tán dân trong các trận thiên tai thực tế khác biệt lớn so với phương án). Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Công tác kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền khi có bão còn khó khăn do ý thức của người dân và thiếu công cụ kiểm soát. Thông tin liên lạc khó khăn khi xảy ra bão mạnh, lũ lớn. Công tác điều hành hồ chứa còn bị động do đặc điểm mưa lũ trong khu vực và thiếu công cụ tính toán.

Năm 2017, thiên tai liên tục xảy ra với cường độ lớn và gây thiệt hại trên khắp cả nước, trong đó khu vực miền Trung-Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ quét, sạt lở đất, bão và sét đánh. Thiên tai đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại khu vực này với 157 người chết, mất tích; 430 người bị thương; hơn 4.000 nhà bị đổ, cuốn trôi; trên 230.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng… Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 31.765 tỷ đồng (chiếm 53% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn quốc).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm nay tương đương năm 2017.

Từ nay đến cuối năm còn khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, riêng khu vực Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, do đó, các địa phương cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Lan Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai khu vực miền Trung, Tây Nguyên
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.