Năng lượng tái tạo (Bài 3): Sức bật từ chính sách

Thu Hà|23/09/2020 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với nước ta trong sử dụng năng lượng. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã, đang được đẩy mạnh, mở rộng hợp tác nhằm tìm hướng đi cho phát triển bền vững.

Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT.

NLTT bao gồm: gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối (củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp), khí sinh học, nhiên liệu sinh học, và năng lượng thủy triều/đại dương/sóng.

Việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã, đang được đẩy mạnh tại Việt Nam. 

Việc sử dụng NLTT chủ yếu phục vụ cho đun nấu, cấp nước nóng và điện thắp sáng đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ NLTT phục vụ phát điện và nhiên liệu trong giao thông mới được triển khai trong thời gian gần đây, chủ yếu là thuỷ điện, pin mặt trời, gió, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học. Sự cải tiến công nghệ và kiến thức về vật liệu, sự giảm giá thành kết hợp với chính sách hỗ trợ của nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của NLTT.

Trên thế giới, động lực chính đối với việc phát triển NLTT là do các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979-1980, sau đó là các yếu tố môi trường, an ninh năng lượng, đa dạng hoá nguồn năng lượng. Đối với Việt Nam, việc phát triển NLTT là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm … Để làm được điều đó, Việt Nam sẽ cần có các chính sách phối hợp, bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường NLTT; thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; cung cấp các cơ hội thích hợp khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng.

Đóng vai trò lớn trong những thành công gần đây của Việt Nam trong ngành NLTT chính là các chính sách khuyến khích phát triển NLTT, và tất nhiên sự chủ động nắm bắt cơ hội tiếp cận ưu đãi từ phía doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh việc phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng quốc gia, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định 11. Mặt khác, Chính phủ cũng dành những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất hay các khoản vay tín dụng cho các dự án NLTT phù hợp.

Thực tế, những cơ chế này đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện NLTT tại Việt Nam, khi dành mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, giúp giảm thiểu các nguy cơ vốn có trong lĩnh vực phụ thuộc vào thiên nhiên như năng lượng tái tạo.

Trong đó, Bộ Công Thương không chỉ giữ vai trò tham mưu chính sách, mà còn bám sát những Quyết định của Chính phủ và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

Quá trình đưa các cơ chế vào đời sống, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải bám sát với thực tiễn quy hoạch và nguồn lực tại địa phương, chú trọng sự trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới có thể tạo dựng được hành lang thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và địa phương cùng đầu tư phát triển NLTT theo hướng bền vững, hiệu quả.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình thí điểm về cơ chế mua bán điện tái tạo, cho thấy sự tiến bộ tích cực trong chiến lược phát triển NLTT tại Việt Nam, cho thấy định hướng phát triển nghiêm túc và sẵn sàng triển khai các cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.

“Việc đổi mới quản lý và hướng tới những cơ chế, chính sách có tính đột phá là một nội dung quan trọng để thực hiện được mục tiêu phát triển lĩnh vực NLTT”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Mặt khác, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải (220 kV, 500 kV và cấp điện áp cao hơn). Trước mắt thực hiện một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom, giải toả công suất các nguồn điện NLTT. Sau đó, đánh giá tổng kết để nhân rộng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

An Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lượng tái tạo (Bài 3): Sức bật từ chính sách