Năng lượng tái tạo (Bài 4): Gỡ “nút thắt” để phát triển bền vững

Thu Hà|24/09/2020 12:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đặc thù của năng lượng tái tạo (NLTT) là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý… cũng như công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó, thúc đẩy phát triển NLTT, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Ưu tiên năng lượng tái tạo

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân loại với cú sốc Covid 19 khiến cả thế giới lao đao và chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế nhưng đồng thời cũng thôi thúc sự chuyển đổi đột phá về tư duy và mô hình phát triển thích ứng. Covid 19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng Năng lượng tái tạo là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển NLTT như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt trên 42.000 dự án. NLTT hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN.

Năng lượng tái tạo là giải pháp cho phát triển bền vững.

Bên cạnh kỳ tích dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời, trong thời gian qua, việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời trang trại đã gây nên một vấn đề xã hội mới đó là xung đột về sử dụng đất. Tại một số địa phương, đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời. Điều này dẫn tới mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương. Phát triển ồ ạt các trang trại mặt trời đơn mục tiêu sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mới của Việt Nam. Thách thức này đòi hỏi cần tìm hướng đi mới. Thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nổi là hai giải pháp đã được thử nghiệm và có khả năng giải quyết các xung đột sử dụng đất mà vẫn đảm bảo phát triển NLTT.

Đặc biệt đối với điện mặt trời mái nhà, với cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW chỉ trong vòng 2 năm qua đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW của điện mặt trời mái nhà. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà tương xứng với tiềm năng.

Tháo rào cản, xóa độc quyền trong ngành năng lượng

Sau 10 năm phát triển ngành năng lượng theo Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cũng bắt đầu bộc lộ không ít bất cập. Chiếc áo mà ngành năng lượng đang khoác đã trở nên chật chội. Vì thế, Nghị quyết mới về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng trong vấn đề phát triển năng lượng.

Đây được ví như một làn gió mới cho ngành năng lượng với rất nhiều điểm đáng chú ý như: khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện xưa nay vốn độc quyền Nhà nước.

Dự án trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam – Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là một ví dụ điển hình. Chỉ sau hơn 2 tháng thi công, gần 20 km thi công đường dây với 34 trụ, chủ yếu trên địa hình đồi núi, đã đạt hơn 75% khối lượng công việc. Đây là một kỷ lục trong ngành xây lắp đường dây 500 KV tại Việt Nam, bởi nếu không được chuẩn bị nhân lực, thiết bị và tính toán chủ động, khó có thể đạt được kết quả đề ra là tháng 10 sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục.

Khi sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân chặt chẽ, bình đẳng, nút thắt trong phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam sẽ được tháo gỡ.

Hồng Minh

Bài liên quan
  • Năng lượng tái tạo (Bài 3): Sức bật từ chính sách
    Moitruong.net.vn – Tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với nước ta trong sử dụng năng lượng. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã, đang được đẩy mạnh, mở rộng hợp tác nhằm tìm hướng đi cho phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lượng tái tạo (Bài 4): Gỡ “nút thắt” để phát triển bền vững