(Moitruong.net.vn) – Khoảng 10 giờ sáng nay (4/7), người dân phường Định Công (Hà Nội) phát hiện một người đàn ông trung niên (hiện chưa rõ nhân thân) nằm bên vệ đường nên đã báo công an đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Thời điểm nhập viện, thân nhiệt bệnh nhân lên đến 41 độ C, nghi ngờ sốc nhiệt do nắng nóng.
Các bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị sốc nhiệt. Ảnh: Dương Hải
Theo đó, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, bệnh nhân được công an phường Định Công đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lúc đó lên đến 41 độ C. Các bác sĩ nhận định, với tình trạng này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, tim… và hiện vẫn đang được các bác sĩ đánh giá.
Được biết, sau hơn 1 giờ tích cực hạ nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ nhưng vẫn đang hôn mê. Các kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn đang chờ, nhưng với biểu hiện ban đầu, rất có khả năng bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Trước trường hợp trên, các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo, trong mùa nắng nóng, tình trạng bệnh nhân nhập viện không có thân nhân dễ xảy ra do say nắng, sốc nhiệt, nạn nhân ngã ra đường được người dân, người đi đường đưa vào bệnh viện. Vì thế, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, di chứng mà bệnh nhân phải chịu.
Do đó, khi thấy người nào có dấu hiệu sốc nhiệt, nếu đang ở ngoài trời, cần nhanh chóng đưa người đó vào bóng râm, mát để nằm nghỉ. Đặt nạn nhân nằm đầu thấp để máu lên não được lưu thông dễ dàng. Cần nới lỏng quần áo, cởi bớt quần áo, chỉ mặc quần áo mỏng, sau đó lấy nước dội lên đầu, vẩy nước hoặc lấy khăn ướt phủ lên người. Nếu đã đưa nạn nhân vào nhà, có thể dùng quạt phun hơi nước, phun sương kết hợp với quạt làm mát cơ thể hoặc dùng bình phun nước xịt liên tục lên da để bay hơi nước làm hạ thân nhiệt. Nếu người bệnh tỉnh táo, cho uống nước có ít muối, nước trái cây (cam, chanh, dưa hấu…). Chú ý, một người đã hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần sau đó. Vì vậy, tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định bệnh nhân đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.
Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành các biện pháp hô hấp hà hơi thổi ngạt phục hồi tuần hoàn. Nếu nạn nhân bị ngừng tim, cần nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với hà hơi thổi ngạt. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim nạn nhân, tần số ép khoảng 100 lần/phút. Nếu có 2 người, một người ép tim ngoài lồng ngực, một người thổi ngạt, làm kiên trì đến khi tim đập lại và thở được. Cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để khi đến bệnh viện sẽ được cấp cứu kịp thời và loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự sốc nhiệt.
Mai Nhi