Nắng nóng kỷ lục tiếp tục hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan

Phương Linh|29/04/2022 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khoảng 1 tỷ người ở Ấn Độ và một phần Pakistan sẽ trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất vào cuối tuần này khi nhiệt độ tăng cao, chênh lệch lên tới 5-8 độ C so với mức nhiệt bình thường trong hè.

Kênh truyền hình CNN dẫn lời chuyên gia biến đổi khí hậu Scott Duncan, trên 1 tỷ người – tương đương với 10% dân số thế giới – sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt nắng nóng đỉnh điểm này.

Các khu vực chịu ảnh hưởng, bao gồm New Delhi, sẽ chứng kiến mức nhiệt buổi trưa vượt quá 40 độ C. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng không chấm dứt vào ban đêm. Tại nhiều khu vực, nhiệt độ ban đêm sẽ không xuống dưới 30 độ C. Đêm tối nóng nực được cho là có thể gây ra chết người nếu như cơ thể không hồi phục kịp từ nhiệt độ cao ban ngày.

Một bé gái bán nước che ô dưới cái nắng như thiêu như đốt. Ảnh: CNN

Điều này đặt ra một vấn đề lớn đối với dân số Ấn Độ khi phần lớn người dân không có máy điều hòa nhiệt độ, từ đó gây ra tình trạng đe dọa tính mạng đặc biệt là đối với người cao tuổi. Mối nguy thực sự xảy ra khi nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm cao, khiến mọi người khó hạ nhiệt bằng cách đổ mồ hôi.

Thành phố Barmer ở Ấn Độ trong ngày 26/4 ghi nhận mức nhiệt cao vào khoảng 45,1 độ C. Cùng ngày, một nhà ga ở Pakistan đã lập kỷ lục về nhiệt độ tối đa cao nhất ở Bắc bán cầu là 47 độ C.

“Rất hiếm khi điều này xảy ra, gần như toàn bộ quốc gia chịu ảnh hưởng từ sóng nhiệt”, nhà thủy văn học Arpita Mondal tại Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay nói sức nóng hiện nay là “không thể chịu nổi”.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ tối đa trung bình trên toàn Ấn Độ được ghi nhận vào tháng 3/2022 đạt mức cao nhất trong vòng 122 năm qua. Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) cho biết kể từ ngày 11/3, các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến 15 trong số các bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ, đặc biệt nghiêm trọng nhất là hai bang Rajasthan và Madhya Pradesh.

Nhà khoa học khí hậu tại Đại học Maryland Raghu Murtugudde lý giải hiện tượng La Niña cùng với các đợt sóng nhiệt từ Bắc Cực đã hình thành các đợt nắng nóng cao điểm. Ông Murtugudde nói thêm ảnh hưởng từ hiện tượng La Niña đối với mùa Xuân và mùa Hè ở Ấn Độ là chưa từng thấy.

Người dân dùng nước để hạ nhiệt trong mùa nắng nóng. Ảnh: AP

Năm nay, Ấn Độ đã chứng kiến đợt nắng nóng khủng khiếp ngay từ đầu hè, trong khi tháng 4 và tháng 5 thông thường là 2 tháng nóng nhất trong năm.

Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, nắng nóng tại Ấn Độ sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.

Trong một thống kê của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) – cơ quan chuyên trách về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, Ấn Độ là một trong những quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Báo cáo khoa học mới nhất của IPCC vào tháng 8/2021 chỉ ra biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến hiện tượng nắng nóng cực đoan gia tăng ở Nam Á.

Nghiên cứu của nhà khoa học Mondal còn chỉ ra ô nhiễm đô thị cũng có thể là một tác nhân, trong đó muội than và bụi hấp thụ ánh sáng Mặt trời, dẫn đến tình trạng nóng lên ở các thành phố Ấn Độ.

Phương Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng kỷ lục tiếp tục hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan