Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ

Nguyên Lâm|28/09/2022 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng 4, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

kinh-te-viet-nam.jpg
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/9, các chuyên gia đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2%, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Phân tích của WB, dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hoà giữ nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, sức ép lạm phát tăng cao và các rủi ro khác.

Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình dựa trên tăng năng suất đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn sản xuất, vốn tự nhiên, con người. Quá trình này đòi hỏi năng lực thể chế phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên khởi sắc của ngành xuất khẩu và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Lạm phát nhích lên, chủ yếu do chi phí vận tải tăng, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.

Các chuyên gia WB cho rằng các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn…

Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024. Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sau một thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến sẽ tăng lên, với tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022 dựa trên chuẩn nghèo của WB (365 USD/ngày theo ngang giá sức mua PPP năm 2017).

Báo cáo còn cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng kiểm soát giá cả hàng hóa nhiều hơn bất kỳ khu vực đang phát triển nào khác, ngoại trừ Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ đang nghiêng về phía nông dân trồng lúa và các loại ngũ cốc khác, mặc dù người tiêu dùng ngày càng ưa thích rau, trái cây và thịt.

Các biện pháp hiện tại cũng cho thấy xu hướng đảo ngược nhiều năm giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Tại Indonesia và Malaysia, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã tăng từ khoảng 1% GDP năm 2020 lên hơn 2%. "Sự đảo ngược này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm phát thải carbon và khiến các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá trong tương lai" - WB cảnh báo.

Từ đó, WB kêu gọi các chính phủ khu vực cần cân bằng tính bền vững dài hạn với phúc lợi cộng đồng ngắn hạn cũng như các đặc quyền chính trị, đặc biệt là khi Indonesia, Thái Lan và Malaysia sẽ đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới.

Ngân hàng lưu ý thêm, việc hỗ trợ giá kéo dài sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và rút vốn khỏi cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Thái Lan, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ kết thúc năm với tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn, dự kiến ​​sẽ vượt quá 60% ở cả 3 nước.

Các khoản đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn được cho sẽ là cần thiết, do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực có dấu hiệu suy yếu. WB ghi nhận các báo cáo hàng quý từ các nhà bán lẻ Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử đang chậm lại, mà nhiều trong số đó được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia. Suy thoái ở các nền kinh tế lớn trong năm nay có thể làm giảm hơn 1 điểm phần trăm tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Malaysia chịu thiệt hại lớn nhất, ở mức 0,8%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ