Năm 2019, xuất khẩu của ngành rau, quả Việt Nam không đạt được kết quả như kỳ vọng khi giảm khoảng 1% so với 2018, chỉ đạt mức 3,8 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu rau, củ, quả giảm là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Cùng với đó, ngành chưa tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do cùng những bất cập nội tại của ngành khiến xuất khẩu rau, quả không đạt được mục tiêu 4 tỷ USD đã đề ra.
Ảnh minh họa
Về triển vọng năm 2020,ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu vào khoảng 5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2019. Mục tiêu này có cơ sở đạt được bởi năm 2020 Việt Nam đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương nên sẽ có thuận lợi về thuế quan.
Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước, việc sản xuất, chế biến rau quả cũng có một số thuận lợi nhất định do người nông dân bắt đầu quen và đưa vào thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… cho vùng nguyên liệu. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho người nông dân trồng theo hướng an toàn VietGAP, Global GAP để cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt kỹ thuật cao, ngày càng được doanh nghiệp, các cơ quan chức năng chú trọng. Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng vào vấn đề giải quyết chất lượng đầu vào cho vùng nguyên liệu của rau quả Việt Nam, theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với việc giải quyết vấn đề vùng nguyên liệu, để đạt mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch, Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đã phân bổ chỉ tiêu cho từng thị trường xuất khẩu chính như: EU, Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019, nhiều sản phẩm rau, quả đã chinh phục được những thị trường khó tính. Cụ thể, xoài đã chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long.
Hay việc Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản đã có thư gửi Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Đây là tiền đề quan trọng để ngành rau, quả có thêm cơ hội bứt phá trong năm 2020.
Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng kể trên, ngành rau, quả phải khắc phục những điểm yếu về sản xuất, nguyên liệu qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi thực tế tại Việt Nam hiện nay, diện tích trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ có 5%, trong tổng số khoảng 1 triệu ha đất. Do đó, muốn tăng sản lượng rau, quả xuất sang châu Âu, ngành Nông nghiệp phải khuyến khích người dân tăng diện tích trồng rau, quả theo tiêu chuẩn này.
Minh Anh (t/h)