Năm 2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh (7/9) là “không khí trong lành, hành tinh khỏe mạnh,” nhằm nhấn mạnh tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Đây cũng là dịp để các quốc gia tập hợp hành động, nỗ lực hướng tới ưu tiên nhu cầu không khí trong lành cho sức khỏe con người và các mục tiêu phát triển bền vững.
Ô nhiễm không khí từ bụi PM2.5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng
Không khí sạch có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày của con người. Ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất về môi trường đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 cao nhất không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai…
Đáng chú ý là các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí từ bụi PM2.5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã chỉ ra ở Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, đái tháo đường…
Nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây tác động ô nhiễm không khí được xác định là từ hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Do đó, để cải thiện chất lượng không khí, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch hơn, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm…
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang phối hợp các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Xây dựng, ban hành tiêu chí, chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…
Bộ TN&MT nhấn mạnh, trong năm 2021 phải rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Cần tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả; kịp thời hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông; hạn chế việc đốt các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch…
Nhân Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh năm 2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi tất cả các quốc gia cùng “hành động” bằng nhiều giải pháp hơn để cải thiện chất lượng không khí. Nhất là giám sát các nguồn gây ô nhiễm không khí cũng như các tiêu chuẩn khí thải mạnh hơn đối với xe cộ, nhà máy điện, xây dựng và các ngành công nghiệp có thể cắt giảm ô nhiễm.
Trên tinh thần đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới hôm nay và hàng ngày hãy cùng nhau làm sạch không khí mà chúng ta hít thở để có thể bảo vệ cả con người và hành tinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Cũng theo số liệu của Liên Hợp Quốc, mỗi giờ có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp 3 – 5 lần số người chết vì sốt xuất huyết và HIV.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới ô nhiễm không khí. TP.Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh.
Hà An (t/h)