Theo đó, Nhà máy này sẽ được đặt tại xã Tân Long (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trên diện tích khu đất hơn 3,3ha. Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 17/11/2020 thì Dự án nêu trên có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng.
Quy mô công suất của Dự án bao gồm: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất 96 tấn/ngày đêm; Lò đốt chất thải rắn công nghiệp, nguy hại 48 tấn/ngày đêm; Xưởng sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ rác thải 10 tấn/ngày đêm; Xưởng sản xuất nilon tái chế từ rác thải 5 tấn/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho dự án và dịch vụ 50m3/ngày đêm.
Tiến độ thực hiện dự án là quý IV/2020 đến quý II/2021 phải hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đến quý III/2022 phải hoàn thành đi vào hoạt động.
Doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng Tân Kỳ là Công ty CP xây dựng môi trường thương mại Hoàng Gia Quân đầu tư.
Công ty CP xây dựng môi trường thương mại Hoàng Gia Quân đầu tư có địa chỉ tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do ông Đặng Hữu Bé là người đại diện pháp luật.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011, doanh nghiệp này với ngành nghề chính là xây dựng nhà các loại. Bên cạnh đó, công ty này có thâm niên trong các lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy chất thải.
Được biết, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng Tân Kỳ được xem là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất Nghệ An tới thời điểm này.
Hiện nay, nhà máy xử lý rác có quy mô vừa và lớn ở tỉnh Nghệ An có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (đặt tại huyện Nghi Lộc với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng); Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn (đặt tại Thị trấn Nghĩa Bình có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng) và Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai (đặt tại khu vực đồi Dốc Lăn, xóm 22, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Theo thiết kế, nhà máy có công suất xử lý rác thải 50 tấn/ngày đêm, với tổng số vốn đầu tư trên 38 tỷ đồng).
Theo số liệu của tỉnh Nghệ An, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.741,78 tấn/ ngày. Trong đó, đô thị là trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày. Tuy nhiên, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hiện chỉ là trên 1.400 tấn/ngày, đạt 81%. Trong đó, tại đô thị đạt 91,7%; nông thôn mới chỉ đạt 53,1%. Vì thế, với lượng khoảng gần 400 tấn rác thải đang “thả nổi” tại nhiều địa phương như hiện nay cũng là một số liệu rất đáng để lưu tâm.
Việc có nhà đầu tư sắp tiến hành đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng vào địa bàn huyện miền núi Tân Kỳ với tổng mức đầu tư khá lớn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải vốn đang trở thành gánh nặng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay.
Mai Anh