Nghệ An: Dân "khát nước" bên nhà máy nước tiền tỷ bỏ hoang

Khánh Linh|22/07/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Công trình nhà máy nước do Công ty CP Đại Việt thi công vào năm 2004, nhà máy đưa vào vận hành trong vài tháng rồi bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm.

n1.jpg
Nhà máy nước bị bỏ hoang ở xóm Hương Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

Trước đó, vào năm 2004, nghe tin có dự án nhà máy nước về với dân làng, 2 hộ dân là ông Nguyễn Khắc Lung và ông Nguyễn Khắc Trung (cùng trú xóm Hương Sơn, xã Bài Sơn) đã tự nguyện hiến một phần đất rừng, nhường đất cho dự án.

Công trình do Công ty CP Đại Việt thi công từ năm 2004, mãi đến năm 2007 mới hoàn thành với tổng kinh phí là hơn 1,2 tỷ đồng. Mục đích cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ dân thuộc 2 xóm Hương Sơn và Mỹ Sơn (xã Bài Sơn).

Người dân tại đây cho biết, tại thời điểm xây dựng nhà máy nước, gần 200 hộ dân xóm Hương Sơn được yêu cầu đóng số tiền 310.000 nghìn đồng/hộ. Tuy nhiên chỉ có 2/3 số hộ dân đồng ý đóng góp.

Năm 2009, nguyên Chủ tịch UBND xã Bài Sơn, ông Thái Đình Lợi đã trả lại toàn bộ số tiền cho các hộ dân.

Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Viết Xuân (SN 1969, nguyên xóm trưởng xóm Hương Sơn), chúng tôi tìm đến nơi đặt nhà máy nước. Thật bất ngờ khi công trình tiền tỷ lại nằm lọt thỏm giữa ngút ngàn rừng tràm.

n2.jpg
Nhà điều hành nhỏ của Nhà máy nước bị bỏ hoang.

Vừa phát cỏ dại hai bên đường, ông Xuân nói: “Có nước sạch sử dụng, người dân ai cũng mừng. Nhưng không may vào cuối năm 2007, nhà máy nước bị sét đánh trúng khiến toàn bộ hệ thống đường điện, mô tơ chập cháy, hư hỏng nặng”.

Một phần vì thiết bị hư hỏng không được sửa chữa, một phần vì không đủ chi phí vận hành. Do vậy, chỉ sau 4 tháng đưa vào sử dụng, nhà máy nước đã bị bỏ hoang.

“UBND xã Bài Sơn có nhờ tôi và 1 người nữa thường xuyên đến bảo vệ công trình, hứa sẽ chi trả 50.000 đồng/tháng/người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào từ xã”, ông Xuân chia sẻ.

n3.jpg
Đồng hồ lắp ở vị trí bể nước của nhà máy đã bỏ hoang.

Tại vị trí đặt nhà máy, trước mắt là những bức tường đã mọc rêu xanh, cánh cổng sắt đã gỉ sét, hư hỏng nặng. Và điều bất ngờ là nhà máy nước đã bỏ hoang này được xây dựng khá đơn giản với một phòng điều hành nhỏ và một tháp nước cùng bể chữa nước khoảng 80m3.

Ông Đào Danh Hà, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến nhà máy nước ở xóm Hương Sơn nhanh chóng bị bỏ hoang là vì công nghệ lọc nước của nhà máy chưa đạt chuẩn, nước không đủ sạch và khi dẫn vào từng nhà dân thì hệ thống đồng hồ hoạt động không tốt, không đủ tin cậy. Thực tế thì nhà máy nước lúc đó cũng chỉ khoan giếng lấy nước ngầm rồi bơm lên lọc trong bể nước nhỏ, không đủ cấp cho nhiều hộ dân xung quanh.

Hiện tại ở huyện Đô Lương đã có 2 nhà máy nước lớn là Nhà máy nước Đô Lương (thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An) đặt ở xã Đông Sơn và Nhà máy nước Hòa Sơn, ở xã Hòa Sơn. 2 nhà máy nước này có công suất hoạt động lớn đã cung cấp nước sạch cho nhiều xã và thị trấn trên địa bàn huyện, nhưng vẫn chưa có xã Bài Sơn, cho dù địa phương này từng được ưu tiên trong chương trình Mục tiêu nước sạch Quốc gia năm 2004.

"Thực tế thì quy mô của nhà máy nước bỏ hoang này không lớn và sử dụng nước ngầm nên chính quyền xã và người dân không có yêu cầu khôi phục lại nhà máy. Nguyện vọng của nhân dân xã Bài Sơn là mong được phía các cấp chính quyền cao hơn hỗ trợ mở rộng quy mô Nhà máy ở xã Hòa Sơn. Tuy nnhiên đại diện nhà máy nước này cho rằng kế hoạch chưa thể thực hiện sớm vì quy mô hạ tầng kỹ thuật theo thiết kế ban đầu chưa đưa xã Bài Sơn vào danh sách cung cấp nước sạch", vị Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Dân "khát nước" bên nhà máy nước tiền tỷ bỏ hoang