Nghệ An đẩy mạnh công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản

Thanh Thanh|26/07/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5978/UBND-NN về công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2024 – 2030.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, tạo sự thay đổi trong nhận thức về vị trí và vai trò của công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản Nghệ An giai đoạn 2021- 2030.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các viện, trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

bao-ve-nguon-loi-thuy-san.jpg
Nghệ An đẩy mạnh công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn

Trên cơ sở kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng tỉnh tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, cơ cấu các loại nghề khai thác thủy sản cho phù hợp khả năng khai thác cho phép theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản còn non ở vùng ven bờ; tổ chức điều tra nguồn lợi thủy sản nội đồng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, quy định về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư; tập trung tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển.

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và thực hiện có hiệu quả việc phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản; huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, thả rạn nhân tạo. Phối hợp với các viện, trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài bản địa, loài nguy cấp quý hiếm; tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản trong các khu bảo tồn biển, các thủy vực.

Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản thuộc đối tượng quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, các Sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kịp thời nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đặc biệt các hành vi sử dụng ngư cụ cấm, chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực biên giới (KVBG) và các lực lượng chức năng tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, các chủ tàu, ngư dân thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, suối KVBG và trên biển.

Sở TT&TT chỉ đạo các cơ quan Báo chí, các Đài Truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các điển hình gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân; phản ánh trung thực và hành động thống nhất trong đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi, vi phạm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với mục tiêu, nội dung Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh. Bố trí kinh phí hằng năm từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện các nội dung tại địa phương. Bố trí kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện các nhiệm vụ bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản tại các thủy vực trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Triển khai thực hiện các mô hình quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; các chương trình, kế hoạch bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn.

Các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn lợi thủy sản có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Bài liên quan
  • Cà Mau: Xử lý hình sự nếu khai thác tận diệt thủy sản
    Cà Mau là tỉnh có nguồn lợi cá đồng rất phong phú trong tự nhiên, tuy nhiên hiện nay, cách khai thác hủy diệt bằng kích điện, hóa chất, thuốc cá, chất nổ, khai thác cá non, cá con vào đầu mùa mưa, là nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghệ An đẩy mạnh công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản