Nghĩa Đàn (Nghệ An) – Bài 5: Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm nặng nề, người dân xóm Đông Lâm tiếp tục kêu cứu

Kế Hùng – Ngọc Trâm|02/10/2020 16:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cụm trang trại bò sữa số 1 của Công ty CP thực phẩm sữa TH gồm 3 trại được xây dựng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cụm trang trại bò sữa này liên tục gây ô nhiễm trầm trọng, khiến cuộc sống của người dân xóm ĐôngLâm (nay đổi tên thành Làng Hợp Thành) bị đảo lộn hoàn toàn.

Xem VIDEO: Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm nặng nề, người dân xóm Đông Lâm tiếp tục kêu cứu

Bao giờ về lại ngày xưa?

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường do Trang trại bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH gây ra tại xóm Đông Lâm (nay là làng Hợp Thành), Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải loạt bài viết trong thời gian qua. Những tưởng sau loạt bài viết thì lãnh đạo Tập đoàn TH phải chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tang, khiến người dân vô cùng bức xúc. Cực chẳng đã, người dân lại tiếp tục làm đơn gửi tới chính quyền địa phương và cơ quan báo chí đề nghị vào cuộc giúp nhân dân.

>> Nghĩa Đàn (Nghệ An): Bài 4 – Người dân thôn Đông Lâm tiếp tục “tố” trang trại TH True Milk gây ô nhiễm nghiêm trọng

Trại bò sữa TH bị người dân tố cáo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, nhằm xác minh thông tin sự thật Trang trại bò sữa của Tập đoàn TH vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Ngày 24/9/2020, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục trở lại xã Nghĩa Lâm để làm rõ vụ việc.

Đơn kiến nghị của người dân gửi UBND tỉnh Nghệ An và các cấp chính quyền địa phương về tình trạng Trang trại bò sữa TH hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Tại nhà văn hóa làng Hợp Thành, chị Nguyễn Thị Hoan không giấu nổi sự bức xúc: “Xóm chúng tôi nằm trong khu vực ô nhiễm môi trường, ngót ngét đã 10 năm nay sống chung với bò của TH. Từ năm 2012, nhà đầu tư đã về kiểm đếm xong nhà, nhà có mái ngói họ đã vô giấy tờ là mái ngói rồi, cho nên nhiều nhà bây giờ sụp nát nhưng không dám sửa, bởi vì người ta đã kiểm đếm. Nhiều nhà bây giờ mái ngói hư hỏng phải lấy bạt che lên trên mới ở được mùa mưa. Nỗi bức xúc của dân thì có lẽ gói gọn một câu là cực kỳ bức xúc. Nhà đầu tư hứa họ sẽ đền bù tái định cư cho chúng trước năm 2012, mà đến nay đã là năm 2020 rồi mà vẫn dậm chân tại chỗ. Họ cứ hứa voi, hứa ngựa thế, thật đúng chúng tôi chả hiểu họ hứa kiểu gì nữa”.

>> Nghệ An – Bài 3: Trang trại bò sữa TH True Milk tiếp tục gây ô nhiễm nặng nề, lãnh đạo tỉnh Nghệ An thờ ơ  

Chị Nguyễn Thị Hoan, người dân làng Hợp Thành không giấu nổi sự bức xúc, vì 10 năm nay gia đình chị phải sống chung với phân bò của Trang trại bò sữa TH. Do vậy đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như cuộc sống của gia đinh

“Ngày xưa nguồn nước địa phương sạch sẽ tinh khiết, có thể nói nhất nhì tỉnh Nghệ An. Con gái vùng này đi đâu cũng nổi tiếng có làn da đẹp với mái tóc đen nhánh, nụ cười tỏa nắng vì có nguồn nước sạch ăn uống và tắm mát quanh năm. Giờ thì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, nhà tôi phải thay giếng khơi bằng giếng khoan nhưng hai tháng phải thay lõi lọc một lần vì lõi lọc bị tắc nghẽn do nước quá bẩn”, chị Hoan buồn rầu cho biết thêm.

Mỗi khi trời mưa là phân bò hoà chung cùng nước mưa chảy ra môi trường vào nhà dân

“Quốc lộ 48 E đi qua qua làng Hợp Thành nay đã bị cày nát vì xe chuyên chở hàng của Trang trại bò sữa TH, hai bên đường là dân cư, trên đồi cao là trại bò. Hằng ngày, xe ô tô của Trang trại bò sữa TH chở phân bò rầm rầm, phân rơi vãi xuống đất, trời nắng gió cuốn bụi phân bay mù mịt, mưa thì nước phân từ đường giao thông chảy trôi vào nhà. Có nghĩa là chúng tôi sống chung với phân bò, ăn chung với phân, nhà ở cạnh đường mà lúc nào cũng phải đóng cửa im ỉm như nhà hoang ”. Chị Hoan chua chát nói.

Xe ô tô của Trang trại bò sữa TH chở phân bò chạy rầm rầm, phân rơi vãi xuống đất, trời nắng thì gió cuốn bụi phân bay mù mịt, mưa thì nước phân từ đường giao thông chảy trôi vào nhà

Quốc lộ 48E đi qua qua làng Hợp Thành nay đã bị cày nát bởi xe chuyên chở hàng của Trang trại bò sữa TH khiến con đường nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội

Cùng chung nỗi bức xúc với chị Hoan, ông Nguyễn Văn Hóa – Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh làng Hợp Thành cho biết thêm: “Dân làng phải gánh chịu những hậu quả như bụi, ô nhiễm các chất thải của trang trại như phân, chất cỏ, đổ xuống đường. Về nguồn nước cũng vậy, mùa mưa nước phân của Trại bò sữa TH trên đồi Cù Lẳng chảy về đập ông Bình Hoài, từ đó bị thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến giếng khơi và giếng khoan của các hộ dân”.

Ông Nguyễn Văn Hóa – Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh làng Hợp Thành cho biết: “Người dân trong làng đang phải sống chung với ô nhiễm do Trang trại bò sữa TH gây ra”

Ông Ngô Xuân Tư, nguyên xóm trưởng xóm Đông Lâm cũ, nay là làng trưởng làng Hợp Thành khẳng định: “Ô nhiễm môi trường hiện đang ảnh hưởng đến khu dân cư, cái thứ nhất là bụi bặm từ các phương tiện xe tham gia giao thông vận tải trên đường 48 E đi qua, rồi đến mùi hôi thối của nhà máy chế biến thức ăn ủ chua sát ngay trong xóm, cộng với mùi hôi thối bốc lên từ các khu trang Trại bò sữa TH.

Ông Ngô Xuân Tư, nguyên xóm trưởng xóm Đông Lâm cũ, nay là làng Trưởng làng Hợp Thành khẳng định: “Ô nhiễm môi trường từ Trại bò sữa TH đang ảnh hưởng rất lớn đến khu dân cư, mùi hôi thối nồng nặc cộng với bụi phát sinh từ các xe vận chuyểnđi qua con đường 48E” 

Cuối cùng là âm thanh tiếng động của nhà máy chế biến thức ăn, cộng với tiếng ồn của từng dàn xe tải vận chuyển hàng của TH khiến dân làng ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên. Nguyện vọng của bà con nhân dân làng Hợp Thành là tha thiết đề nghị với các cấp các ngành có liên quan giải quyết vấn đề tái định cư sớm.”

Địa phương có đánh đổi môi trường để lấy kinh tế?

Sự việc Trang trại bò sữa TH gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân xóm Đông Lâm cũ, nay là làng Hợp Thành từ nhiều năm qua. Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần tới tỉnh Nghệ An và các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Sự việc càng lên cao trào khi tình trạng ô nhiễm môi trường không có chiều hướng suy giảm, cùng với việc của người dân không được di dời tái định cư theo như cam kết cũng như giọt nước tràn ly. Mới đây, người dân làng Hợp Thành đã gửi Đơn kiến nghị với hàng chục chữ ký của công dân đến Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và các cấp các ngành có liên quan. Nội dung đơn nêu rõ: “Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH về tại Đội 10 Nông trường 19/5 từ tháng 9 năm 2009. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, sống giữa thung lũng bị ô nhiễm nặng nề, xung quanh bốn phía ô nhiễm bủa vây. Trải qua 11 năm, cái được thì chẳng thấy, còn mất mát thì quá nhiều. Vậy, chúng tôi làm đơn này với nguyện vọng tha thiết yêu cầu các cấp có thẩm quyền cho di dời tái định cư cho dân dứt điểm trong năm nay”.

Trung tâm chế biến, ủ chua thức ăn xây dựng sát nhà dân gây nên mùi hôi thối nồng nặc

Sau khi nhận được đơn thư kiến nghị của công dân làng Hợp Thành, ngày 27/8/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã gửi công văn số 806/UBND về việc giải quyết kiến nghị đơn thư công dân đến Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn để chỉ đạo giải quyết trả lời công dân theo quy định.

Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện Nghĩa Đàn giải quyết ý kiến của người dân liên quan đến Trại bò sữa của Tập đoàn TH gây ô nhiễm môi trường

Ngày 14 tháng 9 năm 2020, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có báo cáo số 269 /BC-UBND gửi UBND tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan. Báo cáo khẳng định: “Theo Quyết định số 3379/ QĐ.UBND –CNTM ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực dự án Chăn nuôi bò sữa TH tại huyện Nghĩa Đàn, 160 hộ dân thuộc hai xóm Tân Lâm, xóm Đông Lâm (làng Hợp Thành ) xã Nghĩa Lâm đều thuộc diện di dời. Đến nay, UBND huyện Nghĩa Đàn đã lập và phê duyệt phương án bồi thường và chi trả xong cho 66 hộ dân xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm với diện tích thực hiện thu hồi là 32,34 ha với tổng kinh phí thực hiện là 57,34 tỷ đồng. Thực hiện kiểm đếm cho 92 hộ dân thuộc xóm Đông Lâm (làng Hợp Thành), xã Nghĩa Lâm với diện tích 23,65 ha, tổng kinh phí là 85 tỷ đồng. Việc di dời 92 hộ dân xóm Đông Lâm (làng Hợp Thành) ra nơi ở mới đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa bố trí được kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. UBND huyện Nghĩa Đàn đã nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và xử lý của UBND tỉnh Nghệ An và các sở ngành liên quan, đồng thời đề nghị Công ty CP thực phẩm sữa TH phối hợp giải quyết”.

Báo cáo trả lời ý kiến người dân của UBND huyện Nghĩa Đàn gửi UBND tỉnh và các sở ngành chức năng về việc người dân tố cáo Trang trại bò sữa TH gây ô nhiễm môi trường

Theo tìm hiểu được biết, trong công văn cam kết của Công ty CP thực phẩm sữa TH số 14/CV – TH Milk ký ngày 12 /11/2009 về việc Cam kết chính sách liên quan đến Dự án gửi UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị cá nhân liên quan, tại điều 3 đã khẳng định: “Cam kết ứng trước vốn cho Ban giải phóng mặt bằng để tiến hành đền bù và ứng trước vốn để xây dựng khu tái định cư, các hạ tầng cơ sở mà không thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư.” Như vậy, hai xóm Tân Lâm và Đông Lâm (làng Hợp Thành) thuộc diện được Công ty CP thực phẩm sữa TH cam kết ứng trước vốn để tái định cư, nhưng hiện chỉ mới xóm Tân Lâm được ứng vốn trước, còn lại xóm Đông Lâm (làng Hợp Thành) vẫn chưa được ứng trước vốn để xây dựng khu tái định cư. Vậy, Công ty CP thực phẩm sữa TH đã thực hiện đúng cam kết với UBND tỉnh Nghệ An hay chưa?.

Văn bản cam kết tái định cư cho người dân của Công ty CP thực phẩm sữa TH, nhưng đến nay những cam kết này lại chưa thực hiện được bao nhiêu

Hơn 10 năm chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp của Công ty CP thực phẩm sữa TH đã gây ô nhiễm đến mức người dân làng Hợp Thành chịu không nổi phải cầu cứu UBND tỉnh cho di dời tái định cư ngay trong năm nay (năm 2020). Cũng từng ấy năm, Công ty CP thực phẩm sữa TH thường xuyên gây ô nhiễm nghiêm trọng mà không thấy các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhắc nhở, xử phạt và thậm chí là đình chỉ hoạt động để khắc phục hậu quả theo Luật bảo vệ môi trường?.

Nhà của người dân bị mục nát nhưng cũng không dám sửa, vì vướng quy hoạch và nhà đã được kiểm đếm để tái định cư

Thực ra, giải pháp tái định cư di dân xa vùng ô nhiễm cũng chỉ là giải quyết phần nổi của tảng băng chìm, chỉ mới chặt được phần ngọn, phần gốc vẫn còn đó. Di dân đi nhưng ô nhiễm vẫn còn ở lại, môi trường xã hội và thiên nhiên vẫn bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của Trang trại bò sữa TH.

Về lâu dài UBND tỉnh Nghệ An, sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cấp ngành liên quan tại địa phương cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn, nhằm triệt tiêu sự ô nhiễm môi trường đối với Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty CP thực phẩm sữa TH trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Đồng thời thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”.

Kế Hùng – Ngọc Trâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa Đàn (Nghệ An) – Bài 5: Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm nặng nề, người dân xóm Đông Lâm tiếp tục kêu cứu