Trong các dịp lễ Tết, việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Khi ăn phải những thực phẩm này, cơ thể sẽ bị ngộ độc. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng chống ngộ độc cho gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ
Ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ thường xảy ra sau khi trẻ ăn hoặc uống một thứ gì đó, có thể trong vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày. Trẻ có những biểu hiện như: đau bụng đột ngột, buồn nôn hay nôn, có thể nôn ra thức ăn hay toàn nước, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có thể lẫn máu.
Ngoài các dấu hiệu ở đường tiêu hóa, khi bị ngộ độc thức ăn, trẻ nhỏ có thể có sốt cao, trẻ lớn hơn thường không sốt hoặc sốt nhẹ hơn. Theo BS Long, nếu trẻ nôn và đi cầu nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, nặng có thể dẫn đến trụy tim mạch.
Nên cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ cần chú ý dấu hiệu mất nước, thường là trẻ khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, mạch nhanh có thể bé bị co giật, nước tiểu ít và sẫm màu. Trong trường hợp ngộ độc nặng, nếu xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.
Ảnh minh họa.
Những điều bố mẹ nên làm khi con bị ngộ độc thực phẩm
Thứ nhất, gây nôn và chú ý tình trạng nôn của bé: Khi trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Cần lưu ý, những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi trẻ nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn một giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau bốn giờ mà trẻ không nôn ói nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn.
Thứ hai là bù nước, điện giải bằng oresol: Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Nhiều trường hợp thấy con đi ngoài quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha cốc oresol 200ml bắt con uống bằng hết khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp nổi tình trạng thiếu nước.
Thứ 3 là cho trẻ ăn thức ăn mềm: Tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Trẻ lớn cho ăn cháo, cơm, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Trẻ đang còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tăng lượng sữa so với trước khi trẻ ốm. Thông thường trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ
Thứ 4 là theo dõi nhiệt độ cho bé: Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu.
Thứ 5 là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế: Khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì ngay lúc này bố mẹ phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
Huệ Ngân (t/h)