Ngược dòng thời gian: Những món đồ chơi Trung thu khiến trẻ em xưa phát cuồng

Mộc An (t/h)|03/09/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đèn ông sao, đèn tôm, cua, cá, mặt nạ, tò he… đều được làm thủ công từ những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cối.

Tết Trung thu Việt Nam là ngày Tết thiếu nhi rực rỡ sắc màu, sôi động trong ánh đèn lồng lung linh với những món đồ chơi trung thu truyền thống giản dị nhưng ý nghĩa, chứa đựng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao… là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, thành đạt.

Đèn ông sao: Một trong những món đồ đặc trưng, không thể không kể tới mỗi dịp Tết Trung thu là đèn ông sao. Đến nay, đèn ông sao vẫn là món đồ chơi quen thuộc với các em nhỏ. Với năm cánh có phần giấy kính bóng đỏ, viền sao vàng và tua rua lấp lánh vòng quanh… chiếc đèn nhỏ không chỉ mang vẻ đẹp giản dị đêm hội trăng rằm, mà còn in sâu trong ký ức tuổi thơ biết bao người Việt Nam.

Đèn kéo quân: Ngoài đèn ông sao, đèn kéo quân cũng là món đồ chơi truyền thống quen thuộc ở Việt Nam mỗi dịp trung thu về. Ngày nay, không có nhiều trẻ em biết đến đèn kéo quân vì loại đèn này dần mai một và được thay thế bởi nhiều món đồ chơi trung thu khác.

Thời xưa, có biết bao trẻ nhỏ say mê với đèn kéo quân vì sự nhiệm màu, độc đáo, được ví như một màn diễn rối bóng tự động. Khi thắp nến, những hình ảnh được vẽ trong đèn sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng. Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Chiếc lồng kéo “biết” xoay tròn do lực đẩy của luồng khí nóng tạo ra từ ngọn lửa, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các “quân”.

Trống ếch: Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu “cắc, tùng” đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết thiếu nhi.

Mặt nạ giấy bồi: Trung thu trong ký ức xưa không thể thiếu hình ảnh những chiếc mặt nạ giấy bồi – món đồ chơi thủ công, đầy màu sắc.

Để làm được một chiếc mặt nạ này, người thợ cần dán 5-6 lớp giấy đã phết hồ vào mặt trong của khuôn đất rồi gỡ để lấy phôi mặt nạ, phơi nắng trong một ngày. Phôi sẽ được mang đi vẽ sơn, mỗi màu sơn xong lại phải đem phơi khô mới vẽ tiếp, cứ thế 5-6 lần thì màu mới lên đẹp, rõ ràng.

Với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… Ngoài ra còn có mặt nạ của các nhân vật trong truyện cổ tích để các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong đêm trăng rằm.

Đèn lồng giấy xếp: Tương tự đèn ông sao, đèn lồng giấy xếp cũng là món đồ chơi trung thu khá phổ biến. Đèn có đủ hình dáng và kích thước. Nếu tuổi thơ 9X gắn liền với đèn lồng hình trụ một màu truyền thống thì 10X có nhiều lựa chọn hơn với giấy xếp đủ hình thù như Mặt Trăng, Mặt Trời, hoa lá, các loại động vật…

Tiến sĩ giấy: Những ông tiến sĩ giấy thường được làm bằng giấy màu sặc sỡ, đặt ở giữa mâm hoa quả và đèn trang trí. Không chỉ là đồ chơi của trẻ nhỏ, hình nộm tiến sĩ giấy còn mang theo hy vọng của các bậc phụ huynh, mong con mình sẽ chăm chỉ học hành, lớn lên đỗ đạt.

Tò he: Tò he không chỉ là món đồ chơi được nhiều người yêu thích, nó còn là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt.

Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, trong phút chốc những cục bột màu vô tri trở thành hoa lá, động vật, hay các nhân vật quen thuộc như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…

Ông đánh gậy trông trăng: Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi trung thu ý nghĩa, tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh về thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.

Mộc An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngược dòng thời gian: Những món đồ chơi Trung thu khiến trẻ em xưa phát cuồng