Dù vừa mới kết thúc ngày làm việc cuối cùng của tuần và phải đến ngày mai mới bắt đầu nghỉ lễ nhưng ngay từ hôm nay dòng người, xe ra khỏi Hà Nội đã rất đông. Dòng người và xe cộ đã đổ dồn ra khỏi Hà Nội, khiến cho các tuyến đường nội đô và cửa ngõ thành phố trở nên chật cứng.
Trên các tuyến đường lớn trong nội thành như Giải Phóng, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi,... giao thông bắt đầu ùn ứ từ chiều sớm và kéo dài đến tối muộn. Đặc biệt, tại các nút giao thông lớn, điển hình như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh tình trạng ùn ứ diễn ra nhiều hơn, khiến cho việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc ùn ứ chỉ xảy ra ở các trục đường lớn dẫn ra ngoại thành. Khi ra khỏi khu vực nội thành, giao thông bắt đầu thưa dần và trở nên "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, tại một số điểm giao thông trên các tuyến đường ngoại thành như Quốc lộ 5 vẫn có xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.
Tại các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm,... lượng khách bắt đầu tăng đột biến từ khoảng 16h chiều. Theo ghi nhận của phóng viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên, lính nhập ngũ và một số ít người đi làm về quê nghỉ lễ. Tuy lượng khách đông nhưng vẫn chưa bằng những năm trước.
Ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết: “Chúng tôi nhận định rằng lượng khách đến bến đi xe chủ yếu tập trung vào chiều 26, cả ngày 27 và sáng 28/4. Dự kiến hành khách tăng 30% so với ngày thường ước tính 15.000 đến 18.000 khách. Với nhu cầu tăng cao như vậy, để phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của bà con dịp 30/4 và 1/5, bến xe đã họp với các đơn vị vận tải, đề nghị lập danh sách xe tăng cường, số lượng xe tăng cường với tiêu chí xe phải đủ điều kiện và chất lượng tốt đảm bảo thực hiện theo đúng nghị định 10 và thông tư 12. Đảm bảo đủ điều kiện phục vụ hành khách trong dịp này”.
Tại TP. HCM, ngay sau khi hết giờ làm việc của ngày cuối tuần, người dân đổ về bến xe, sân bay bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ ngày 26/4 - 1/5, các bến xe khách liên tỉnh phục vụ bình quân mỗi ngày khoảng hơn 64.000 khách, tăng 26% so với cùng kỳ. Dự kiến lượng khách đi lại dịp lễ này tại các bến xe lớn của TP Hồ Chí Minh tăng 120% so với ngày thường. Sở cũng khuyến khích các nhà xe không tăng giá vé, trường hợp cần tăng giá để bù chi phí quay vòng thì dự kiến điều chỉnh trong hai ngày 26 - 27/4 và mức tăng không quá 40% so với ngày thường.
Ghi nhận ở bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), từ lúc 16h, mật độ người dân có mặt tại đây bắt đầu đông dần. Nhiều người dân sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM đã đổ về bến xe để trở về quê, bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Các lối đi, phòng chờ bắt đầu đông hơn ngày thường.
Theo dự báo của đại diện Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), khách sẽ tập trung nhiều nhất vào hai ngày đầu kỳ nghỉ với khoảng 16.000 - 17.000 lượt khách. Các ngày còn lại lượng khách dao động từ 5.000 - 7.000 lượt khách qua bến. Tương ứng sẽ có khoảng 2.560 chuyến xe đi và đến trong dịp lễ 30/4 và 1/5 tại bến xe này, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), thời gian về chiều, lượng khách mỗi lúc một đông. Theo ước tính của đại diện bến xe miền Tây, dịp lễ năm nay sẽ có hơn 270.000 lượt hành khách qua bến. Dự báo thời gian cao điểm là thứ 7 (27/4) với lượng khách qua bến có thể đạt hơn 61.000 người, tăng 120% so với ngày thường.
Riêng hôm nay (26/4), ước tính có khoảng 53.000 lượt khách qua bến xe và là ngày có sản lượng hành khách đông thứ 2 trong đợt nghỉ lễ năm nay. Dự báo ngày 27/4 sẽ là cao điểm của bến. Lượng hành khách xuất bến dự kiến 61.300 khách, tăng 120% so với ngày thường; lượng xe xuất bến trong ngày này là 2.100 xe, tăng 64% so với ngày thường.
Tại cửa ngõ phía Đông, khu vực nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) lưu lượng xe đổ về hướng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khá đông nên bắt đầu có dấu hiệu ùn tắc.
Quốc lộ 1A hướng đi các tỉnh miền Tây, đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, … tại các điểm dừng chờ đèn đỏ xảy ra ùn ứ cục bộ, do lượng người ngoại tỉnh bắt đầu hành trình rời thành phố về quê.
Trong khi đó, lượng hành khách đổ về Sân bay Tân Sơn Nhất cũng không quá đông. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và nhanh gọn cho hành khách làm thủ tục đến, đi tại sân bay, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất đã bố trí lực lượng đoàn viên Đoàn thanh niên của Cảng và Học viện hàng không Việt Nam tham gia hỗ trợ hành khách tại khu vực an ninh soi chiếu, khu vực sảnh công cộng Nhà ga quốc nội trong khung giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi đến các đơn vị thành viên như: Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin truyền thông, Công an TP.HCM và các Ban An toàn giao thông các quận, huyện triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông trong dịp lễ 30/4 và 1/5 trên địa bàn.
Theo ông Lợi, hiện phía Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có chủ trương yêu cầu các đơn vị thi công các công trình, hạ tầng giao thông chiếm dụng mặt đường phải tạm ngừnng thi công, để người dân thuận lợi đi lại. Ngoài ra, tăng cường năng lực vận chuyển hành khách, cải tạo một số hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân lưu thông an toàn.
Ngoài ra, Ban cũng đề nghị Công an TP.HCM mở rộng cao điểm mà ngành đang thực hiện, để tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ. Trong đó hướng tới việc thực hiện các chuẩn mực văn hoá giao thông.
Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2024 người lao động được nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tổng cộng 2 ngày. Tuy nhiên, do dịp nghỉ lễ năm nay trùng với thứ Ba và thứ Tư trong tuần, bị ngắt quãng với lịch nghỉ cuối tuần, nên Chính phủ đã quyết định hoán đổi ngày làm việc thứ Hai (29/4) sang thứ Bảy (4/5) để người dân có kỳ nghỉ lễ liên tục 5 ngày từ 27/4 đến 1/5.
Việc hoán đổi ngày làm việc và kéo dài ngày nghỉ lễ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Người dân có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch cùng gia đình, bạn bè. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy du lịch, dịch vụ và tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế.