Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến nhiều địa phương tại các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá và Lệ Thuỷ của tỉnh Quảng Bình rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ xảy ra ở các xã miền núi của địa phương này mà một số vùng ven biển, ven cửa sông cũng có hiện tượng xâm nhập mặn khiến nguồn nước bị ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, tại các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Trung Hóa (thuộc huyện Minh Hoá) và xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hoá), người dân đang phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Thậm chí, nhiều giếng khoan ở các xã này nước cũng đã cạn kiệt, một số giếng có nước thì nhiều hộ sử dụng chung, bơm lên rất khó khăn, nước còn có độ phèn cao.
“Toàn thôn có 300 hộ với gần 1.000 nhân khẩu nhưng 90% người dân trong thôn đang chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng, tình trạng diễn ra thường xuyên hằng năm vào mùa nắng nóng. Từ sau Tết đến nay, do thiếu nước nên bà con phải đi xin nước ở giếng nhà nào còn để nấu ăn, uống, còn nước sinh hoạt, tắm giặt đều phụ thuộc vào khe suối. Những ngày nắng nóng, người dân phải mua dự trữ 5-10 bình để phục vụ sinh hoạt hàng ngày” - chị Cao Thị Lý (ngụ tại thôn Tiền Phong, xã Trung Hoá) rầu rĩ nói.
Tại xã Trung Hoá, để có thêm nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng, nhiều người dân phải tranh thủ vào lúc sáng sớm hoặc đêm khuya, khi mực nước sông dâng cao để tích trữ. Một số hộ dân còn tự bỏ tiền túi lắp đặt đường ống dài hàng trăm mét để lấy nước từ khe, suối về để tắm giặt, sinh hoạt.
“Gia đình tôi cùng 10-15 hộ dân khác trong thôn đã lắp đặt máy bơm nước từ khe Rục Lạc để sử dụng trong sinh hoạt. Song từ đầu mùa nắng nóng đến nay, nước trong khe dần cạn kiệt, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài tầm 20 ngày nữa là hết nước trong khe Rục Lạc” - ông Cao Quang Khánh (ngụ tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) cho biết.
Ông Cao Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hoá cho biết, hiện toàn xã này có trên 70% hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng năm nay.
Việc thiếu nước sinh hoạt đang khiến cuộc sống của người dân tại các xã miền núi tỉnh Quảng Bình rất vất vả, chật vật. Tâm lý người dân hầu hết đều muốn mua nước sạch về để sinh hoạt, ăn uống nhằm đảm bảo nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên đa số phải đi xin nước ở các thôn khác tích trữ trong nhà.
“Giếng khoan của một số hộ còn nước bà con cũng san sẻ cho nhau, còn lại thì ra khe, suối chở nước về dùng. Địa phương đã báo cáo lên huyện để tìm hướng khắc phục. Hiện có hai giếng dự phòng của quốc phòng, nếu được sẽ sử dụng giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân” - ông Chương nói.
Liên quan đến tình trạng này, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý cấp nước có giải pháp để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn hán này.
Đơn vị này cũng đã đề xuất với tỉnh cùng các cơ quan Trung ương xem xét cấp nguồn vốn để xây dựng các công trình cấp nước tại những nơi thiếu hoặc chưa có như, vùng Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy, Tân Thủy (huyện Lệ Thủy), vùng Phù Hóa, Cảnh Hóa, Liên Trường (huyện Quảng Trạch) và một số vùng Trọng Hoá, Trung Hóa (huyện Minh Hóa) đang thiếu nước trầm trọng trong mùa hạn hán.
“Hiện các công trình cấp nước cho người dân chủ yếu là công trình nhỏ lẻ nên cần đầu tư công trình với quy mô lớn, tập trung lấy nguồn nước từ hồ nước ngọt và công trình thủy lợi có nguồn nước bền vững để kết nối các công trình lại và cấp nước đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước mắt, đơn vị cũng đã chuẩn bị vật tư thiết bị cũng như thổi rửa các giếng khoan, sẵn sàng cấp nước kể cả cấp nước lưu động cho bà con” - ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết.