Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưa lũ nghiêm trọng tại Nghệ An
Từ ngày 21 đến 24/7, khu vực Nghệ An và Thanh Hóa ghi nhận lượng mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương miền núi.
Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn tập trung ở phía Tây Nghệ An và Thanh Hóa, với lượng mưa phổ biến từ 150 – 250 mm. Riêng huyện Quỳ Châu (Nghệ An) ghi nhận lượng mưa lên tới 259 mm chỉ trong vòng 24 giờ.
.jpg)
Lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa bàn như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu và Quế Phong. Quốc lộ 7 đoạn qua các huyện Anh Sơn, Tương Dương và Con Cuông bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1 mét. Giao thông trên quốc lộ 16 - tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh miền núi phía Bắc cũng tê liệt do hàng chục điểm sạt lở lớn.
Tại nhiều khu vực, lũ vượt mức lịch sử: Mường Xén cao hơn năm 2011 khoảng 0,4 m; Thạch Giám vượt năm 2018 tới 3,91 m; Con Cuông cao hơn mức lũ năm 1975 là 0,66 m. Các vùng ven sông Cả cũng xảy ra ngập cục bộ, nhiều xã bị chia cắt do sạt lở đất.
Giải thích nguyên nhân, TS Trương Bá Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, vùng thấp nhỏ trên Vịnh Bắc Bộ kết hợp gió đông nam mang không khí ẩm vào đất liền sau bão số 3 (Wipha) là nguyên nhân trực tiếp gây mưa lớn.
Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy, hoàn lưu sau bão kết hợp với yếu tố khí hậu bất ổn định khiến mưa kéo dài. Mặc dù bão số 3 tan nhanh, nhưng mưa lớn vẫn tiếp diễn sau đó nhiều ngày, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Tình hình thời tiết hiện nay cũng được đánh giá là bất thường do biến động khí hậu toàn cầu. Sự chuyển pha từ El Niño sang La Niña và giai đoạn trung tính âm khiến số lượng bão vào Biển Đông có xu hướng tăng, kèm theo các đợt mưa cực đoan, kéo dài như dòng sông khí quyển.
Chuyên gia cảnh báo, công tác ứng phó thiên tai không nên dừng lại khi bão tan mà cần chuẩn bị lâu dài xuyên suốt mùa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại.