Nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm khuẩn (từ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc…); bị nhiễm các hóa chất hóa học (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia…); bị biến chất khi để quá lâu hoặc bản thân thực phẩm có chứa chất độc (cá nóc, gan cóc, nấm độc…)
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm là một hỗn hợp của nhiều hợp chất phức tạp có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể con người nhưng đôi khi lại chứa đựng những mối nguy gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do ăn phải thực phẩm có nhiễm vi khuẩn hay độc tố của chúng.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn thương hàn (Salmonella): Thường gặp do ăn thức ăn có nguồn gốc động vật bị nhiễm vi khuẩn thương hàn: gỏi thịt cá, thịt gia cầm: gà, vịt, cá, trứng, sữa… Bệnh thường biểu hiện sau khi ăn khoảng 4 giờ đến 48 giờ, thấy: sốt, đau bụng, buồn nôn và nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, đi ngoài phân có máu – mũi… nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể tử vong.
Đồ tươi sống là một trong những dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm vi khuẩn
Bệnh có thể chuyển sang dạng người lành mang vi khuẩn gây bệnh khi không được điều trị đủ liều, đúng cách. Những người mang vi khuẩn ở dạng này thường xuyên thải vi khuẩn thương hàn ra theo phân, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ là nguồn ô nhiễm với thực phẩm và môi trường xung quanh.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): Thường gặp do ăn thức ăn giàu đạm bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại súp… Vi khuẩn tụ cầu có nhiều trên da, họng khi bị viêm nhiễm và có trong không khí, nước… nên quá trình chế biến và bảo quản không hợp vệ sinh rất dễ nhiễm các vi khuẩn này vào thực phẩm.
Ăn thức ăn có nhiễm tụ cầu hoặc độc tố của chúng đều có thể bị ngộ độc. Bình thường, triệu chứng xuất hiện sớm trong 30 phút đến 4 giờ sau khi ăn. Người bệnh thường nôn thức ăn vừa ăn xong, đi ngoài nhiều lần phân toàn nước, mệt mỏi, có thể có đau đầu hôn mê nếu nhiễm phải độc tố của tụ cầu. Bệnh không được điều trị kịp thời dễ tử vong do mất nước và điện giải. Điều trị tích cực, bệnh thường khỏi nhanh và phục hồi tốt.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn độc thịt (Clostridium botulium): Đây là loại vi khuẩn kỵ khí có nha bào, thường có trong thức ăn đóng hộp, để lâu. Biểu hiện ngộ độc thường sau khi ăn 2 giờ đến 48 giờ, có các dấu hiệu: buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở và hôn mê. Nếu không được điều trị và xử lý kịp thời, tỷ lệ tử vong rất lớn.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli): Vi khuẩn này có nhiều trong phân người và gia súc. Trong quá trình chế biến thiếu vệ sinh, không có thói quen rửa tay trước khi ăn hay trước khi chế biến thực phẩm, bảo quản thực phẩm không tốt để các loại côn trùng xâm nhập mang theo vi khuẩn E.coli từ phân, rác vào thức ăn. Biểu hiện ngộ độc thức ăn do nhiễm E.coli thường sau 4 giờ đến 48 giờ có các dấu hiệu đau bụng đi ngoài phân có máu hay nhiều nước tùy theo từng loại vi khuẩn E.coli.
Bệnh có thể tử vong do nhiễm độc hay mất nước nếu nhiễm E.coli 0.157 hay các loại E.coli khác gây bệnh giống như vi khuẩn tả. Bệnh được điều trị sớm và xử trí đúng cách sẽ phục hồi nhanh chóng.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn
Dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm vi khuẩn đôi khi không rõ ràng. Bởi các loại vi khuẩn gây bệnh không màu, không mùi, không vị. Chính vì thế khi nhìn, ngửi hoặc nếm bạn rất khó nhận biết thực phẩm bị ô nhiễm. Để hạn chế tính trạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn bạn cần lưu ý một số điều sau:
Chọn thực phẩm đáng tin cậy: Khi mua thịt lợn hoặc thịt bò, nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu. Đặc biệt nên chọn ở các cửa hàng có uy tín và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẫy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm. Các loại rau nên chọn mua tại nơi uy tín, hoa quả tươi phải đúng mùa vụ, còn cuống và lá xanh.
Thực phẩm chế biến sẵn nên mua ở những cử hàng có uy tín, đồ hộp nên mua đồ hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nhà sản xuất, nước sản xuất, vỏ không móp méo, không phồng, không rỉ sét.
Người dân cần sơ chế thực phẩm kỹ càng trước khi chế biến
Thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Các loại thịt nên được xát muối cho sạch lớp bên ngoài, trần nước sôi khử mùi hôi và vi khuẩn. Vệ sinh dụng cụ chế biến như dao, kéo, thớt…
Nước thực sự rất quan trọng trong việc tránh ngộ độc, sử dụng nguồn nước sạch là bạn đã yên tâm đến 50% trong việc phòng tránh ngộ độc. Nước sạch phải là nước trong, không có mùi, không có vị lạ. Tuyệt đối không uống nước lã và lấy nước lã để làm kem, đá. Nước đun sôi 1000C và bảo quản trong tủ lạnh còn để ngoài phải có các dụng cụ chứa đảm bảo vệ sinh, kín, không chứa nước vừa đun sôi vào các bình bằng các chất liệu nhựa, xốp.
Một yếu tố quan trọng không kém đó là giữ vệ sinh cá nhân, cụ thể: Khi chuẩn bị và nấu nướng trang phục phải sạch sẽ, tóc quấn gọn, cắt ngắn móng tay, không hút thuốc, ho, hắt hơi trong khi nấu nướng. Trước khi ăn, sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, sau khi đi vệ sinh… phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
Môi trường sống trong lành, sạch sẽ chính là biện pháp lâu dài phòng chống ngộ độc, bảo vệ sức khỏe. Bạn nên thực hiện các biện pháp diệt côn trùng, gián, chuột… và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo cơ sở y tế khuyến cáo. Rác thải phải được đựng vào thùng kín có nắp đậy và bỏ rác phân loại theo đúng quy định.
Các loại rau phải rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối pha loãng khoảng 20-30 phút, hạn chế ăn sống. Khi chế biến phải lưu ý không để thức ăn sống đặt lẫn với thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ (dao, thớt…) cho thức ăn sống và chín.
Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay, không để quá 2 tiếng. Nếu để lâu hơn, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng hộp, hoặc giấy nilon bảo quản, khi ăn phải hâm kỹ lại. Tránh để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả với thức ăn chín.
Việt An