Ngày 23/3, Nhật Bản đã đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá về độ an toàn của nước thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã qua xử lý và công bố quan điểm của cơ quan với cộng đồng quốc tế trong trường hợp Tokyo quyết định xả nước này ra biển.
Theo các quan chức Nhật Bản, trong cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama đã trao đổi ý kiến với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi rằng Nhật Bản muốn cơ quan giám sát hạt nhân này của Liên hợp quốc tiến hành đánh giá khoa học và khách quan về biện pháp xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản và công bố kết quả đánh giá với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, ông Kajiyama yêu cầu IAEA xác nhận rằng biện pháp này và thiết bị được dùng để xả nước thải là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA, cũng như yêu cầu cơ quan này kiểm tra dữ liệu phóng xạ trong môi trường và công bố kết quả cho cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Ông Grossi cũng bắn tín hiệu rằng IAEA sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản và thực hiện một cuộc đánh giá an toàn đối với phương án được chọn bất kể nó có thể là gì. Ông bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm và năng lực công nghệ của Tokyo để vượt qua thách thức.
Bể chứa nước nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản
Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kép vào năm 2011, sau trận động đất mạnh 9,0 độ và trận sóng thần khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng.
Trong những năm sau đó, một lượng lớn nước làm mát được lưu trữ trong các bể lớn tại nhà máy Fukushima đã nhiễm phóng xạ. Các bồn chứa này hiện chứa khoảng 1,2 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ và nhà máy dự kiến sẽ cạn kiệt dung tích chứa vào năm 2022.
Chính phủ Nhật Bản hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý trong bối cảnh biện pháp này vấp phải sự phản đối của ngành đánh bắt cá địa phương, cũng như của các nước láng giềng do lo ngại có thể gây ô nhiễm môi trường biển.
Tâm An